
Theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, dù công tác này khó khăn đến đâu, với tất cả tâm huyết, trách nhiệm, Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh nhất định phải quyết tâm hoàn thành kế hoạch đã đề ra.
Ngày 19/2, theo sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh đã khởi công 605/1553 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó có 342 nhà xây mới, 263 nhà cải tạo, sửa chữa.
Toàn tỉnh Quảng Bình còn 948 nhà chưa triển khai, trong đó có 484 nhà xây mới và 464 nhà cải tạo, sửa chữa.
UBND tỉnh Quảng Bình đã cấp 71,370 tỷ đồng (chia thành 2 đợt) cho các địa phương theo danh sách phê duyệt. Các huyện, thị xã đã kêu gọi, vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân với tổng kinh phí trên 1,28 tỷ đồng và 1.210 ngày công.

Từ chương trình, nhiều hộ gia đình đã có nhà ở kiên cố, ấm áp, thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần tập trung tháo gỡ như: Nguồn lực huy động còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, tiến độ thực hiện chưa đồng đều giữa các địa phương, một số hộ dân chưa mạnh dạn tham gia chương trình do điều kiện kinh tế còn khó khăn…
Ngày 19/2, trong cuộc họp Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, ông Lê Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh: Để bảo đảm tiến độ theo mục tiêu phấn đấu (cơ bản các huyện hoàn thành trong tháng 6/2025, riêng huyện Minh Hóa là trước tháng 9/2025), đề nghị các đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ thời gian qua. Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả. Đồng thời, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế để khắc phục.

Các địa phương, sở, ban, ngành triển khai các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là huy động các nguồn lực thực hiện có hiệu quả Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh thời gian tới. Lên phương án bố trí ngân sách, kêu gọi các nguồn lực để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 837 hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số được đề xuất bổ sung vào các đối tượng thụ hưởng của chương trình.
Các đơn vị tiến hành rà soát tổng thể các nhóm đối tượng là hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số để theo dõi, đôn đốc và triển khai có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Ban chỉ đạo các cấp khẩn trương, quyết liệt, chủ động, tích cực hơn nữa trong tham mưu chỉ đạo, triển khai các mặt công tác, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”, bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình theo kế hoạch đề ra; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, bảo đảm các ngôi nhà được xây dựng đúng tiêu chuẩn, chất lượng, phù hợp với thực tế.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương xác định rõ vai trò, trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nội dung của chương trình; nghiên cứu giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể để thực hiện; chỉ đạo phân bổ ngân sách địa phương cho chương trình, bảo đảm kinh phí được sử dụng minh bạch, đúng mục đích.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Ngọc Quang nhấn mạnh: “Thành công của chương trình không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống mà còn khẳng định quyết tâm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Vì vậy, dù khó khăn đến đâu, với tất cả tâm huyết, trách nhiệm, Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh nhất định phải hoàn thành kế hoạch đã đề ra”./.