Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở sụt giảm mạnh. Trong đó, các dự án nhà ở cho công nhân lại càng khan hiếm. Trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, có gói 15.0000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với các cá nhân, hộ gia đình... thuê, mua nhà ở thông qua Ngân hàng chính sách xã hội. Để gói ưu đãi phát huy tác dụng, nhiều giải pháp đã được đề xuất.
Trong một buổi tọa đàm về nguồn vốn cho thị trường bất động sản gần đây, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù có gói ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân rất chậm.
"Thời gian vừa qua, thị trường nhà ở phát triển mạnh, có tốc độ tăng trưởng 7,23%, trong đó nhà ở thương mại tăng trưởng 13,8%, trong khi nhà ở xã hội chỉ 0,36%", ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết.
Trong gói hỗ trợ năm nay, doanh nghiệp triển khai nhà ở công nhân sẽ được hỗ trợ 2% lãi vay thương mại. Còn người mua, thuê, sẽ được vay với lãi suất ưu đãi. Các doanh nghiệp cho biết, quá trình triển khai giải ngân nguồn vốn này cần được đẩy nhanh hơn.
Các địa phương đang phát triển mạnh khu công nghiệp, nhu cầu nhà ở công nhân lớn như tỉnh Bắc Ninh cho biết, quá trình rà soát dự án được hỗ trợ vốn vẫn đang được tiến hành.
"Để đảm bảo doanh nghiệp sớm tiếp cận với nguồn vốn vay này, thời gian qua, Sở Xây dựng đã lập danh sách các doanh nghiệp đang triển khai, phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng hoàn thành hồ sơ sớm nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận nhanh và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của Chính phủ", ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, cho hay.
Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về nhà ở đã ngày càng được hoàn thiện; nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở, trong đó có công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp.
Với các chính sách đã ban hành, kết quả phát triển nhà ở xã hội mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Để có nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã có các văn bản gửi Bộ kế hoạch và Đầu tư và văn bản để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan xem xét báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nguồn vốn vay ưu đãi nhà ở xã hội vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Cuối tháng 01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Một trong các mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 11/NQ-CP là bảo đảm an sinh xã hội và đời sống (trong đó có nhà ở) của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Theo đó, liên quan tới lĩnh vực ngành xây dựng, có 02 gói hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nguồn cầu và nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, cụ thể là: Cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỉ đồng.
Thứ hai là cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống ngân hàng thương mại để xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua, cải tạo chung cư cũ.