Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Riêng Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện Đề án ít nhất 1 đêm.
Mục tiêu đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu. Phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch, nơi có lượng khách du lịch tập trung đông và hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.
Đề án đưa ra 5 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, đi kèm các dịch vụ đặc trưng và dịch vụ bổ trợ, bao gồm: Mô hình hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật; mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mô hình mua sắm, giải trí đêm; mô hình tham quan du lịch đêm; mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.
Bên cạnh đó, Đề án cũng nêu một số giải pháp về quy hoạch và quản lý đô thị, về cơ chế chính sách, về tổ chức quản lý dịch vụ, về nguồn nhân lực...nghiên cứu, xem xét đề xuất điều chỉnh quy định thời gian cung cấp dịch vụ, cho phép tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6h sáng hôm sau tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, TP.HCM, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bộ VHTTDL cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với các bộ, ngành và liên kết các địa phương trong vùng lựa chọn, định hướng nội dung phát triển sản phẩm du lịch đêm, chú trọng khai thác giá trị văn hóa bản địa trong xây dựng sản phẩm du lịch đêm như tham quan làng cổ, làng nghề, di tích lịch sử, tôn giáo...là lợi thế của địa phương, tạo điểm nhấn và khác biệt, hạn chế trùng lặp giữa các địa phương khác./.