Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Điện Biên nên ưu tiên phát triển sản phẩm nông nghiệp thế mạnh

Ngày 5/12, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Điện Biên về tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới và thu hút đầu tư vào nông, lâm nghiệp năm 2021.
dien-bien-le-minh-hoan-05122021a-1638753105.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác kiểm tra vườn cây mắc ca tại xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao những kết quả tỉnh Điện Biên đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt nỗ lực duy trì phát triển ổn định nông, lâm nghiệp khi dịch bệnh trên người, vật nuôi liên tiếp diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị thời gian tới Điện Biên cần ưu tiên đầu tư sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch để người làm nông nghiệp yên tâm sinh sống, phát triển tại địa phương. Đặc biệt cần quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số ở biên giới, hướng dẫn đồng bào phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng, có nguồn thu ổn định từ rừng. Đối với dự án phát triển cây mắc ca, đây là một loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Điện Biên, tỉnh cần quan tâm đến vấn đề cây giống, chất lượng giống, chú trọng khâu chế biến và thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người dân làm giàu.

Theo ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, thiên tai, dịch bệnh trong chăn nuôi song lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng sản lượng lương thực năm 2021 ước đạt gần 278.000 tấn, tăng gần 4% so với năm 2020.

Hiện toàn tỉnh có hơn 5.000 ha cây cao su, sản lượng mủ khô ước đạt hơn 4.000 tấn; diện tích cà phê khoảng 2.500 ha, sản lượng ước đạt hơn 3.700 tấn; diện tích cây chè hơn 600 ha, sản lượng búp tươi ước đạt 110 tấn. Riêng đối với cây mắc ca, tổng diện tích đã trồng hơn 3.800 ha; trong đó riêng năm 2021 trồng hơn 920 ha, chủ yếu tại các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng.

Hiện một số diện tích cây mắc ca 4-5 tuổi đã cho thu hoạch quả với năng suất, chất lượng có triển vọng tích cực. Tỉnh Điện Biên cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cây mắc ca với diện tích hơn 47.000 ha, tổng số vốn đầu tư hơn 8.800 tỷ đồng.

Các lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thủy sản và lâm nghiệp cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, thực chất, đến hết năm 2021 dự kiến có 45 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Tỉnh Điện Biên cũng đã và đang tích cực kêu gọi, thu hút doanh nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Năm 2021, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án; trong đó có 4 dự án về nông nghiệp với tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của Điện Biên hiện nay còn nhỏ lẻ, phân tán và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; sản phẩm theo liên kết, chuỗi cung ứng an  toàn, sản xuất OCOP còn ít; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất, chế biến còn chậm và chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; triển khai xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng cao, biên giới kết quả chưa cao.

Giai đoạn tới, tỉnh Điện Biên tập trung kêu gọi, thu hút doanh nghiệp tập đoàn kinh tế lớn có nguồn lực, kinh nghiệm và tâm huyết làm nông nghiệp vào đầu tư, gắn phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng chuyên canh. Đặc biệt là tập trung phát triển cây mắc ca đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quy mô khoảng 120.000 ha theo hướng thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người dân và hợp tác xã.

Tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp đa giá trị theo hướng liên kết vùng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản; chú trọng phát triển và mở rộng các chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ bền vững, an toàn, các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP. Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đối với các xã, chỉ đạo địa phương đẩy mạnh thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm./.