Bình Thuận: Các khu công nghiệp thực hiện nghiêm túc về bảo vệ môi trường

Ra đời muộn hơn so với các tỉnh trong vùng, tuy nhiên các khu công nghiệp (KCN) tại Bình Thuận đã phát huy được lợi thế của mình, góp phần không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Các chủ đầu tư và doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, thực hiện nghiêm túc yêu cầu về công tác bảo vệ môi trường.

Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đạt doanh thu 6.630 tỷ đồng (bằng 98,2% kế hoạch năm), kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 186,5 triệu USD (đạt 98,15% kế hoạch) và nộp ngân sách khoảng 100 tỷ đồng (đạt 90% kế hoạch). Tính đến cuối quý III/2022, các KCN trên toàn tỉnh đã thu hút 85 dự án còn hiệu lực và có 66 dự án đi vào hoạt động.

kcn-1667273790.jpg
Các chủ đầu tư và doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã quan tâm, thực hiện nghiêm túc yêu cầu về công tác bảo vệ môi trường. (Ảnh: MT&ĐT)

Theo Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, công tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm triển khai, cụ thể trong tháng 10/2022 đơn vị đã tổ chức làm việc trực tiếp với 5 doanh nghiệp nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có hướng giải quyết hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý còn gửi văn bản đề nghị Điện lực Bình Thuận, Sở Công Thương rà soát, khắc phục tình trạng cúp điện hoặc điện không ổn định tại KCN Phan Thiết giai đoạn 1 và KCN Phan Thiết giai đoạn 2. Xúc tiến hướng dẫn một số doanh nghiệp thực hiện hồ sơ cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp dự án đã triển khai hoạt động...

Ghi nhận cho thấy, các chủ đầu tư và doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn Bình Thuận đã quan tâm hơn, thực hiện nghiêm túc yêu cầu về công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, từ đầu năm đến nay trên toàn tỉnh không có sự cố môi trường nghiêm trọng nào xảy ra, các KCN đã đi vào hoạt động đều có trạm xử lý nước thải tập trung, đảm bảo nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn xả vào nguồn tiếp nhận.

Hiện nay, ô nhiễm môi trường tại các KCN đang trở thành một vấn đề cấp bách, đe dọa trực tiếp đến các thành quả về phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Bà Doãn Hồng Nhung (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để đảm bảo tính khách quan trong quản lý vấn đề bảo vệ môi trường KCN, pháp luật cần có quy định rõ ràng về Ban quản lý KCN chỉ là cơ quan quản lý nhà nước, không được đồng thời là chủ thể kinh doanh trong KCN. Kiên quyết không cho phép các KCN chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật đi vào hoạt động. Trường hợp KCN đã đi vào hoạt động mà chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải bắt buộc phải hoàn thiện ngay. Đồng thời, Nhà nước cần xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý chất thải mới và hiệu quả.
Hoàng Hà (t/h)