Bình Dương: TP Dĩ An hành trình 25 năm xây dựng và phát triển, hướng đến thành phố đô thị loại I

Chào mừng 25 năm tái lập huyện Dĩ An (20/8/1999 – 20/8/2024), nay là TP Dĩ An (Bình Dương), UBND TP Dĩ An tổ chức bổi toạ đàm “Dĩ An 1/4 thế kỷ, khát vọng xây dựng và phát triển”. Tại buổi toạ đàm với sự góp mặt từ nhiều thế hệ lãnh đạo TP Dĩ An đã chia sẻ về hành trành từ một huyện nông nghiệp khó khăn đến một thành phố năng động, đáng sống, nghĩa tình như hiện nay.
anh-di-an-1723174922.jpg
Thành phố Dĩ An được biết đến là một trong những đô thị trung tâm, là vùng đất phát triển năng động, nhộn nhịp bậc nhất của tỉnh Bình Dương.

Khát vọng về một TP Dĩ An vươn tầm

Là thế hệ lãnh đạo từ thời kỳ đầu tái lập, bà Nguyễn Thị Điền, nguyên Chủ tịch UBND huyện Dĩ An nhớ lại: Năm 1999, huyện Dĩ An được tái lập theo Nghị định số 58/NĐ-CP ngày 23/7/1999 của Chính phủ bao gồm thị trấn Dĩ An và 5 xã: Tân Đông Hiệp, Đông Hòa, Tân Bình, Bình An, An Bình.

Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Điền cho biết, tên “Dĩ An” có từ chế độ cũ là quận Dĩ An thuộc tỉnh Biên Hòa từ năm 1958, sau đó sáp nhập chia tách địa giới hành chính tên Dĩ An không còn được sử dụng. Khi tái lập huyện lấy lại tên Dĩ An, cán bộ nhân dân rất phấn khởi, có nhiều cảm xúc động lại. Dĩ An là nôi cách mạnh, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở nhà máy Toa xe Dĩ An. Sau kháng chiến Dĩ An nhập vào Thuận An để phát triển nhưng tên Dĩ An bị quên lãng.

Bà Nguyễn Thị Điền xúc động ôn lại kỷ niệm về một Dĩ An cũ từ những năm đầu tái lập. Bà cho hay: Những ngày đầu khi mới tái lập, Dĩ An “khó khăn chồng chất khó khăn”, cơ sở hạ tầng hoang sơ, thậm chí bà còn được nghe lãnh đạo tỉnh Bình Dương khi đi qua Dĩ An nói lại đường sá nhiều ổ gà "xe chạy như khiêu vũ".

3-1723174995.jpg
Bà Nguyễn Thị Điền, nguyên Chủ tịch UBND huyện Dĩ An chia sẻ tại buổi toạ đàm.

Nguyên chủ tịch UBND Huyện Dĩ An cho biết thêm, những định hướng nền móng ban đầu là rất khó khăn với 40 nhân sự. Nhưng bằng sự đoàn kết thống nhất vượt qua khó khăn, Dĩ An đã đề ra mục tiêu trước mắt, lâu dài, giải pháp thực hiện cụ thể rõ ràng. Trước mắt giải quyết nguồn nhân lực, thu hút nhân tài bằng cách mời gọi nhân tài từ các địa phương, trường đại học.

Bên cạnh đó là mời các doanh nghiệp về Dĩ An nghe Dĩ An đang có gì, Dĩ An cần gì và nhận được sự ủng hộ tích cực từ các doanh nghiệp. Doanh nghiệp đăng ký ủng hộ thực hiện cùng góp sức với Dĩ An từ trang bị trang thiết bị, phương tiện như xe rác, xe cứu thương, rồi tặng nhà tình nghĩa, làm nước sạch cho trường học, nhà vệ sinh cho trường học… Giải quyết khó khăn tiếp theo là làm đường giao thông, xóa đồng hồ tổng với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tạo các phong trào thi đua hăng hái trên khắp địa bàn huyện.

Hướng tới thành phố đô thị loại I

Với sự gắn kết, đồng lòng cả khối đoàn thể, bộ máy lãnh đạo TP Dĩ An đều cùng hợp lực, vượt qua được khó khăn của những ngày đầu tái lập. Đến nay, TP Dĩ An đã trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương, hạ tầng đô thị của thành phố ngày càng khang trang, hiện đại. Cùng với nhịp độ phát triển của kinh tế - xã hội của toàn thành phố, mức thu nhập của người dân đã được cải thiện đáng kể. TP Dĩ An là một trong những địa phương có bình quân thu nhập đầu người cao trong tỉnh Bình Dương.  Hiện TP Dĩ An đang có những bước chuẩn bị, luôn cố gắng, phát triển để hướng tới thành phố đô thị loại I trong tương lai gần.

Chia sẻ tại Toạ đàm, TS Lê Như Thạch, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bcons đánh giá về nguồn lực của TP Dĩ An, ông cho biết: TP Dĩ An với địa thế vị trí nằm sát TP.HCM là nơi giao thương với các tỉnh thành khác, rất thuận tiện để phát triển. Cạnh đó, TP Dĩ An có lợi thế nhân tài khi Đại học Quốc gia TP.HCM được đặt tại đây, với hàng ngàn tiến sĩ, nhà khoa học, hàng trăm ngàn sinh viên là một nguồn lực khổng lồ để chung trí cống hiến cho Thành phố này.

Hơn thế nữa, TP Dĩ An có lợi thế vị trí địa lý ở trung tâm của Đông Nam Bộ có thể tạo ra môi trường khởi nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp về đặt trụ sở như quận 1 của TP.HCM. Theo thông kế, hiện nay 80% tài sản của Bcons đầu tư ở Dĩ An với 12.000 căn hộ và trường học. Sắp tới thêm khoảng 20.000 căn hộ đang tiếp tục đầu tư.

1-1723175077.jpg
TS Lê Như Thạch, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bcons đánh giá về nguồn lực của TP Dĩ An.

Ông Lê Như Thạch mong muốn có trung tâm giao thương để tạo môi trường tốt thu hút nhân tài như các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại và kêu gọi “đại bàng về làm tổ” để thu hút nhân tài từ Đại học Quốc gia.

Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP Dĩ An nhấn mạnh: Khát vọng của TP Dĩ An trong tương lai là đến cuối năm 2025 hoàn thành các tiêu chí để trở thành đô thị loại I. Nỗ lực hơn nữa để trở thành đô thị năng động, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình, hiện TP Dĩ An đang tập trung thực hiện công tác quy hoạch đô thị. Cơ bản thành phố đã thực hiện xong việc điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo định hướng phát triển, đến năm 2030, TP Dĩ An sẽ là đô thị công nghiệp - dịch vụ - giáo dục, đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt và một phần đường thủy của khu vực Nam Bình Dương và phía Đông TP.HCM

anh-1723175454.jpg
Bất động sản Dĩ An tăng sức hút nhờ bệ phóng xạ hạ tầng giao thông.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dĩ AN, khát vọng Dĩ An trong tương lai là phấn đấu cuối năm 2025 hoàn thành cơ bản tiêu chí đô thị loại I, phát triển thương mại dịch vụ, đời sống người dân được nâng cao trọn vẹ, an toàn, nhà đầu tư an tâm an toàn.

“Cố gắng xây dựng đô thị văn minh thành phố đáng sống, thân thiện, nghĩa tình thông minh, để phát triển toàn diện, hoàn mỹ. Đến năm 2030 là đô thị sáng – xanh - sạch – đẹp, phải là nơi phục vụ tốt nhất cho đời sống người dân”, ông Phạm Văn Bảy nêu quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền thành phố./.

TP Dĩ An là Đô thị loại II với diện tích 6.000 ha với 7 phường, dân số hiện tại trên 500 ngàn người. Nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Bình Dương, Dĩ An giáp ranh với TP Thuận An, TP Biên Hòa (Đồng Nai) và TP Thủ Đức (TP.HCM). Với hệ thống hạ tầng phát triển, Dĩ An có cửa ngõ giao điểm của các trục hành lang kinh tế quan trọng như: Hành lang kinh tế động lực Bắc - Nam (gắn với Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam); hành lang kinh tế động lực Đông Tây kết nối cửa khẩu quốc tế Mộc Bài Quốc lộ 22; đường vành đai qua TP.HCM đến nhóm cảng hàng hóa đường thủy TP.HCM.
Quốc Cường