Bến Tre xúc tiến thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa, giáo dục với các nước Asean

Bến Tre có lợi thế về vị trí, sự đa dạng về kinh tế nông nghiệp, thuận lợi về giao thông đường thủy và đường bộ; nguồn nhân lực có tay nghề; hạ tầng được đầu tư tốt; chính sách ưu đãi linh hoạt, thông thoáng. Trên cơ sở này, tỉnh sẽ là cầu nối hiệu quả để kết nối các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư trong khu vực Asean quan tâm tìm hiểu, cùng trao đổi để tiến tới hợp tác cùng phát triển các lĩnh vực trong thời gian tới.

Đó là chia sẻ của ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre tại Tọa đàm “Xúc tiến thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa tỉnh Bến Tre và các nước ASEAN” diễn ra sáng ngày 22/2/2023.

Bến Tre là một tỉnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở vị trí trung tâm trên tuyến đường kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với TP. Cần Thơ. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang triển khai đề án xây dựng tuyến giao thông ven biển từ TP. Hồ Chí Minh đi Tiền Giang, qua Bến Tre và kết nối với các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. 

Trong tương lai, Bến Tre sẽ nằm trên trục kết nối các tỉnh duyên hải phía Đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với vị trí địa lý vừa giáp biển vừa có hệ thống sông rạch thông ra biển đã hình thành nên hệ sinh thái đa dạng cho Bến Tre, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và khai thác kinh tế biển, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió. 

1-1677057953.jpg
2-1677057970.jpg
Tọa đàm “Xúc tiến thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa tỉnh Bến Tre và các nước Asean” đã diễn ra sáng ngày 22/2/2023.

Tỉnh Bến Tre đã xây dựng tầm nhìn, định hướng phát triển về hướng Đông, sẽ kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông ven biển kết nối vùng; hạ tầng logistic; sắp xếp sản xuất nông nghiệp và thủy sản; nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; du lịch sinh thái biển, văn hóa lịch sử; khu công nghiệp; phát triển đô thị ven biển. Đồng thời, Bến Tre có nguồn nguyên liệu nông, thủy sản khá dồi dào và đa dạng. Nền kinh tế nông nghiệp của Bến Tre được phát triển dựa vào 3 thế mạnh chính là cây dừa, cây ăn quả và thủy sản. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bến Tre luôn đứng trong Top 10 cả nước, thuộc nhóm điều hành tốt và rất tốt.

“Trong những năm qua, Bến Tre luôn nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo điểm đến tin cậy để các nhà đầu tư tìm hiểu và quyết định triển khai các dự án đầu tư. Mặc dù quy mô kinh tế của tỉnh còn thấp, kinh tế phát triển còn chậm so với một số địa phương khác trong vùng nhưng Bến Tre còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác và nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới”, ông Trần Ngọc Tam nhấn mạnh.

Cùng với đó, Bến Tre có tiềm năng phát triển thành nơi nghỉ dưỡng cho người cao tuổi đa văn hóa. Mô hình được đầu tư bày bản, tinh tế, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, sẽ tận dụng tài nguyên sẵn có, nền văn hóa của tỉnh nhằm hướng tới chăm sóc sức khỏe và cải thiện đời sống tinh thần người dân.

Tại tọa đàm “Xúc tiến thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa tỉnh Bến Tre và các nước Asean”, đại diện UBND tỉnh cam kết, địa phương sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cùng các cá nhân, tổ chức và nhà đầu tư trong việc xúc tiến, triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Từ đó, tăng cường kết nối nguồn lực quốc tế trong cộng đồng Asean, đẩy mạnh hiệu quả xúc tiến thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa - giáo dục giữa các thành phố, địa phương Asean với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Bến Tre.

Được biết, Bến Tre hiện có gần 6.000 doanh nghiệp, đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm hơn 92%). Trong đó, có gần 100 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chế biến, sản xuất những mặt hàng như dừa, thủy sản, may mặc.
 

Đạm Quang Lê