Bến Tre: Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các Hợp tác xã nông nghiệp

Mới đây, Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đại diện các Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia vào chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh.

Được biết, trên địa bàn tỉnh bến Tre hiện có 179 hợp tác xã, với hơn 47.000 thành viên. Các hợp tác xã hoạt động trên 6 lĩnh vực chủ yếu: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây lắp điện; nông nghiệp-thủy sản; quỹ tín dụng nhân dân; thương mại-dịch vụ, kinh doanh tổng hợp; giao thông- vận tải; tài nguyên- môi trường. Trong đó, có 140 hợp tác xã nông nghiệp, thủy sản hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và có 80 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh tham gia vào chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh. Doanh thu bình quân khoảng 2 tỷ đồng; giải quyết cho khoảng 3.000 lao động làm việc thường xuyên tại các hợp tác xã.

Nhằm tháo gỡ các khó khăn cho các Hợp tác xã nông nghiệp, mới đây, Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đại diện các Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia vào chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh. Buổi đối thoại nhằm mục đích trao đổi thông tin và giải đáp những câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của các hợp tác xã, doanh nghiệp đang hoạt động tham gia vào chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tình hình mới.

ben-tre1-1668230032.jpg
Bến Tre cùng đồng lòng, góp sức, chung tay hỗ trợ kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành sát sao, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách để phát triển kinh tế tập thể nói chung và hợp tác xã, tổ hợp tác nói riêng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhấn mạnh, kinh tế tập thể đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương theo hướng huy động nguồn lực tại chỗ; từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế hộ, người dân. Đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp đã giúp người dân từng bước chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp dựa vào sản phẩm tạo ra trên cơ sở liên kết, hợp tác cùng có lợi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tập thể của tỉnh vẫn còn một số khó khăn hạn chế nhất định, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Cụ thể, phần lớn các hợp tác xã có quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh không cao do đó lợi ích đem lại cho các thành viên còn thấp; tổ chức bộ máy, năng lực quản lý, điều hành hợp tác xã mặc dù được cải thiện qua từng năm nhưng còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ hợp tác xã cơ bản chưa được đào tạo chuyên sâu.

Ngoài ra, liên kết giữa các hợp tác xã với các loại hình kinh tế khác và liên kết giữa hợp tác xã với nông dân và doanh nghiệp tính bền vững chưa cao; công tác quản lý nhà nước, phối hợp giữa các ngành và địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự chặt chẽ và thiếu đồng bộ. Số lượng tổ hợp tác, hợp tác xã có tăng nhưng chất lượng và giá trị chưa tương xứng với tiềm năng phát triển…

Tại Hội nghị ,đại diện các hợp tác xã kiến nghị lãnh đạo tỉnh cần có chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng, thuế, đất đai, khoa học công nghệ; hỗ trợ hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các chuỗi sản phẩm chủ lực; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn mác và truy xuất nguồn gốc hàng hóa; hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình điểm cho các hợp tác xã trồng dừa, bưởi; hỗ trợ về khoa học công nghệ, về thông tin thị trường...

Các vấn đề của đại biểu đặt ra tại hội nghị đã được lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trả lời đầy đủ, thấu đáo. Đồng thời tiếp thu, ghi nhận ý kiến của đại biểu để nghiên cứu, vận dụng hợp lý, phù hợp vào quá trình điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các hợp tác xã cũng phải tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức, lựa chọn nhân sự phù hợp và có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để làm công tác quản trị; tăng cường nguồn lực của hợp tác xã để liên kết, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; chủ động sản xuất kinh doanh thực chất, gắn với chuyển đổi số, thương mại điện tử; chú trọng nhiều hơn đến việc ứng dụng công nghệ mới, chứng nhận chất lượng sản phẩm; bao bì, mẫu mã, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc để sản phẩm của hợp tác xã đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Trần Như