Bắt nhịp xu hướng xanh

Nông nghiệp là lợi thế, là nền tảng bền vững của quốc gia. Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp đang chậm lại, chưa bền vững, chủ yếu dựa trên thâm dụng tài nguyên, nhiều đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu.

Dự thảo Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững kinh tế-xã hội-môi trường; đưa Việt Nam trở thành nhà sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.

Trong dự thảo Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đã gắn những cam kết của Việt Nam với Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về lương thực thực phẩm cũng như những cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) về ứng phó biến đổi khí hậu.

Bước sang giai đoạn mới, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn tiến rất nhanh. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ. Thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp đặc biệt là biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống, môi trường trên toàn cầu. Cùng với đó, thị trường tiêu dùng trong nước và thế giới thay đổi mạnh với những yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao, những yêu cầu mới trách nhiệm xã hội, môi trường, tiêu dùng xanh ngày càng phổ biến.

Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đây là những thách thức lớn đòi hỏi ngành nông nghiệp bắt buộc phải thay đổi nhưng cũng tạo ra cơ hội cho ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn. Bởi vậy, Chiến lược cần có những quan điểm, định hướng mới và có những hành động cụ thể cho phát triển nông nghiệp nông thôn để khôi phục đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp, khai thác tốt những cơ hội mới.

Theo đó, phát triển nông nghiệp sẽ theo hướng hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường. Phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực như: tài nguyên đất, nước, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa… và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, tích hợp các giá trị văn hóa xã hội và môi trường vào sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, phát thải các bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

085602-trung-tam-khuyen-nong-ha-noi-trien-khai-22-dang-mo-hinh-nong-nghiep-1642557379.jpeg
Mô hình trồng nho Hạ Đen của gia đình anh Nguyễn Đăng Quý ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% cây giống và kỹ thuật canh tác, đến nay cây trồng đang phát triển tốt. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, trước đây Việt Nam thường tăng giá trị thông qua việc chuyển đổi mùa vụ sang các ngành hàng có giá trị cao hơn, chẳng hạn chuyển đổi lúa sang cây ăn trái, sang chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi trong khâu chế biến bảo quản.

Trong Chiến lược mới, để thành công xây dựng nông nghiệp sinh thái, Việt Nam cần tận dụng phế phụ phẩm để giảm ô nhiễm, phát thải, thay vào đó tạo nên nhiều giá trị và việc làm, từ đấy tạo ra nông thôn hiện đại, năng động.

Ông Cao Đức Phát – nguyên Phó Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị gia tăng cao nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các chuỗi giá trị và áp dụng khoa học công nghệ. Đồng thời đã bước đầu triển khai thực hiện các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính.

Theo ông Cao Đức Phát, tiếp tục phát triển nông nghiệp cũng như thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 thì Chiến lược mới sẽ đưa nền nông nghiệp theo hướng sinh thái là cách tiếp cận đa giá trị, lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường. Ngành nông nghiệp còn nhiều dư địa phát triển trong chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng nhưng không phải vô hạn. Việc duy trì tăng trưởng nông nghiệp là cần thiết nhưng đầy thách thức và cần tạo giá trị gia tăng. Do đó, ngành phải giảm chi phí sản phẩm, tăng giá trị mặt hàng trong cả chuỗi giá trị; lấy khoa học công nghệ là động lực để tạo ra giá trị.

Nổi tiếng với danh hiệu “nữ hoàng cá tra” bởi bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn đã quyết định đi theo hướng sản xuất “kinh tế tuần hoàn”. Vĩnh Hoàn đã có quy trình nuôi trồng – sản xuất cá tra khép kín, doanh nghiệp có thể kiểm soát từ giống – nuôi trồng – thu hoạch – chế biến – bán hàng. Không chỉ vậy, nhờ khoa học kỹ thuật, Vĩnh Hoàn không bỏ bất cứ bộ phận nào của con cá tra. Những loại được coi là phế phẩm như: da, mỡ, nội tạng… được doanh nghiệp sản xuất dầu cá, da cá chiên giòn – collagen – gelatin… Chất bùn thải trong chế biến cũng được sản xuất thành phân bón.

Bên cạnh đầu tư trong chế biến, đa giá trị sản phẩm, ông Cao Đức Phát cho rằng, đến năm 2030 và nhiều năm sau, nền nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu vẫn sẽ là nền nông nghiệp của các hộ nông dân nhỏ. Nhưng không phải là các hộ tự cung tự cấp và phải là các hộ sản xuất hàng hóa quy mô ngày càng lớn. Do đó, các hộ cần liên kết và có nhiều doanh nghiệp để dẫn dắt họ tham gia các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Theo ông Trần Công Thắng, cả nước có trên 9 triệu hộ nông dân. Trong giai đoạn mới nếu muốn nâng cao quy mô sản xuất, nâng cao vị thế của người nông dân, hiệu quả thì bắt buộc phải hợp tác. Với nông dân thì kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, các câu lạc bộ… là mô hình tốt đã được khẳng định thì cần thúc đẩy phát triển hơn. Việc phát triển theo chuỗi liên kết không chỉ với ngành hàng chủ lực mà kể cả ngành hàng nhỏ có lợi thế của địa phương để chuyển theo hướng từ sản lượng sang chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Phát triển kinh tế hợp tác làm động lực gắn kết kinh tế hộ, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, có tay nghề đáp yêu cầu phát triển mới. Phát triển cộng đồng làm nền tảng trong phát triển nông thôn, góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên, môi trường, cơ sở hạ tầng, ông Trần Công Thắng phân tích.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp đặt ra yêu cầu nhất định về khả năng tiếp cận, trình độ ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Ngành sẽ phải tận dụng tối đa nguồn lực hiện hữu để mang đến những giá trị mới cho những điều vốn tưởng chừng không có nhiều giá trị. Những phụ phẩm nông nghiệp không còn bị lãng phí, mà được làm mới giá trị, trở thành một sản phẩm hiện diện trong vòng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

Nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ sẽ hướng vào nền nông nghiệp xanh. Từ đó tiến tới nông sản Việt không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn có nhãn sinh thái, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng./.