Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2025 của Cục thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng 2/2025 là 73,1 ha, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Diện tích rừng bị cháy là 17,1 ha, gấp 39,7 lần tập trung ở Cao Bằng 10,0 ha, Bắc Kạn 3,8 ha, Lai Châu 2,0 ha; diện tích rừng bị chặt, phá là 56,0 ha, tăng 4,0%.
Tính chung hai tháng đầu năm 2025, diện tích rừng bị thiệt hại là 145,4 ha, tăng 64,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 19,4 ha, gấp 27 lần; diện tích rừng bị chặt, phá là 126,0 ha, tăng 43,3%.
Đây là mức tăng đột biến so với xu hướng suy giảm nhẹ của các năm trước, đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Theo số liệu ghi nhận, từ đầu năm 2025 đến nay, do tình trạng nắng nóng, hanh khô kéo dài, nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng cháy rừng. Chỉ trong nửa đầu tháng 1/2025, gần chục vụ cháy rừng đã xảy ra ở Bắc Bộ, làm mất nhiều diện tích rừng.
Đơn cử, ngày 9/1, hai vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra tại Quảng Ninh và Bắc Ninh, khiến khoảng 2 ha rừng bị thiệt hại. Trước đó, vào ngày 7/1, một vụ cháy lớn đã bùng phát tại rừng thông thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng, ảnh hưởng đến hơn 2 ha rừng. Để khống chế ngọn lửa, lực lượng chức năng đã huy động hàng trăm người cùng nhiều phương tiện chuyên dụng tham gia dập lửa.
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, từ tháng 3 đến tháng 7/2025, tình hình nắng nóng, khô hạn có khả năng xảy ra tại nhiều khu vưc, đặc biệt là khu vực phía Tây Bắc Bộ (Điện Biên, Sơn La, Lai Châu...) và các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận, Kom Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. Trong tháng 3-4, nắng nóng có thể xảy ra chủ yếu ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ. Từ tháng 5, nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ lan dần sang phía Đông, khu vực Trung Bộ nắng nóng có khả năng gia tăng.
Cụ thể, tỉnh Quảng Bình thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây – Nam (gió Lào), khiến nhiệt độ mùa hè thường xuyên duy trì ở mức cao từ 38 – 40oC, độ ẩm có lúc xuống dưới 30%. Thảm thực bì khô nhanh và dày, dễ bắt lửa, làm tăng nguy cơ cháy rừng, nhất là trong giai đoạn cao điểm nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8.
Trước tình hình trên, nhiều địa phương như Điện Biên, Tuyên Quang, Tây Ninh, Bình Phước… đã thông tin cảnh báo cấp độ cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm) và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), đồng thời đề ra những giải pháp chủ động để ứng phó với cháy rừng mùa hanh khô.
Ông Nguyễn Vũ Phương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Trà Vinh cho biết, năm 2025, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, trong đó nắng nóng và khô hạn xảy ra ảnh hướng rất lớn đến rừng phi lao. Vì vậy, các đơn vị tập trung thực hiện công tác tuần tra bảo vệ rừng, phát huy vai trò của chủ rừng, kết hợp các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, chính quyền địa phương và tổ tự quản triển khai công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng mùa khô 2024 - 2025.
Theo thống kê, trên 80% các vụ cháy rừng có nguyên nhân từ hoạt động của con người. Do vậy, người dân tuyệt đối không sử dụng lửa trong rừng và gần rừng. Bởi nếu sơ suất để xảy ra cháy, đám cháy có thể lan rất nhanh do lớp thực bì dày dễ bắt lửa. Chỉ một mẩu thuốc lá có thể châm ngòi thành đám cháy lớn, cả cánh rừng có thể bị thiêu rụi chỉ trong thời gian ngắn.
Không chỉ diện tích rừng bị thiêu rụi do cháy mà tình trạng chặt phá rừng cũng gia tăng đáng kể, với mức tăng lên đến 43% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã đặt ra hồi chuông cảnh báo về công tác bảo vệ rừng trong thời gian tới.
Trong năm 2024, theo số liệu của Cục Thống kê, cả nước có 1.627,3 ha rừng bị thiệt hại, giảm 5,5% so với năm trước 2023. Trong đó, diện tích rừng bị chặt, phá là 885,5 ha, giảm 15,5%; diện tích rừng bị cháy là 741,8 ha, tăng 10,0% do những tháng đầu năm thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài ở nhiều địa phương, đến những tháng cuối năm thời tiết rét đậm, rét hại kèm theo băng tuyết ở một một số địa phương miền núi khiến thực bì chết hàng loạt, làm gia tăng nguy cơ cháy rừng.