Bản sắc làng quê: Chợ Dinh quê tôi!

Nhà tôi gần chợ Dinh, chợ lâu đời nhất và cũng là chợ to nhất của huyện Yên Thành (Nghệ An). Không ít lần tôi đặt câu hỏi: Tại sao có tên chợ Dinh? Có người cho rằng, sở dĩ có tên ấy vì chợ nằm bên cạnh sông Dinh?
images1454022-cd-toancanhjpg-1695697051.webp
Chợ Dinh (Yên Thành, Nghệ An) họp vào các ngày 9, 19, 29 âm lịch hàng tháng.

Câu này thoạt nghe có vẻ có lý, mãi cho đến khi tôi vào Lagi, Bình Thuận, ở đó cũng có sông Dinh. Phía hạ lưu sông là chợ hải sản đông đúc, lâu đời nhưng chợ lại mang tên là chợ Cam Bình. Trong chặng đường phiêu bạt tôi còn được biết đến một số chợ tên Dinh, ấy là Chợ Dinh nằm trên đường Chi Lăng ở Huế; Chợ Dinh, chợ trung tâm, lớn nhất ở trên đường Trần Quý Cáp Tx Ninh Hòa, Khánh Hòa; Chợ Dinh ở trên đường Nguyễn Diêu, Tp Quy Nhơn, Bình Định… Đố ai con rết mấy chân/Cầu ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người; Chợ Dinh bán áo con trai/Chợ Trong bán chỉ, chợ Ngoài bán kim… Chợ Dinh nổi tiếng đến mức đã đi vào ca dao lưu truyền trong dân gian.

Mỗi lần đến chợ Dinh ở các tỉnh tôi lại đặt câu hỏi: Dinh có nghĩa là gì? Tại sao có tên chợ Dinh. Mỗi người có một cách trả lời khác nhau nhưng rồi cuối cùng tôi cũng gặp được vị cao tăng rằng: Dinh (), nghĩa là to lớn. Dinh thự nghĩa là nhà to. Chợ Dinh thường là chợ to nhất vùng. Cách giải thích này có vẻ có lý.

Yên Thành quê tôi là vùng đất thuần nông, cây lúa là chủ đạo, tiếp theo là khoai lang và sắn. Đầu năm 30 của thế kỷ trước, khi người Pháp đầu tư xây dựng đập Bara Đô Lương, dẫn nước sông Lam về tưới cho ba huyện Diễn – Yên - Quỳnh. Yên Thành từ chỗ làm lúa mỗi năm một vụ nhờ nước trời nay trở thành những cánh đồng hai vụ, tươi tốt. Thế nên mới có câu: "Nghệ Yên Thành - Thanh Nông Cống" để chỉ sự phồn thịnh của đất Yên Thành. Đặc biệt là trong một nền kinh tế lấy nông nghiệp làm gốc, “dĩ nông vi bản” thì bồ thóc là thước đo của sự sung túc.

Cũng chính vì “Dĩ nông vi bản” mà người dân coi thường công, thương nghiệp, “trọng nông ức thương”. Lịch sử đã chứng minh, cả ngàn năm làm nông nghiệp, người Việt vẫn nghèo. Nghèo bền vững. Cùng với đó là tư tưởng yên phận chủ trương co mình trong lũy tre làng, ngại đi ra, ngại giao tiếp. Nông dân tự bằng lòng với mảnh ruộng của mình với thân phận, vị trí của mình trong cộng đồng làng xã. Họ không dám chấp nhận cái mới, từ cách làm ăn cho đến các sinh hoạt tinh thần.

Trọng nông, ức thương” trọng ruộng đất, lấy nông làm gốc, coi thường công thương nghiệp; ca ngợi chữ “nhàn”; bình quân chủ nghĩa; đề cao tằn tiện, “buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hạ tiện”. Phải chăng vì tư duy này mà người xứ Nghệ nói chung và người Yên Thành nói riêng vẫn mang tiếng là keo kiệt!?

Mãi cho đến khi người Pháp có mặt ở Việt Nam, những tư duy cổ hủ ấy bỗng nhiên thay đổi. Như đã nói trong phần trước, cùng với việc cho xây đập Bara Đô Lương dẫn nước tưới cho đồng ruộng, người Pháp cho mở mới và nâng cấp chợ to lớn hơn để thúc đẩy giao thương, buôn bán. Thực ra thì chợ quê là thứ đã có từ lâu nhưng chỉ là những tụ điểm buôn bán nhỏ tự phát mà chưa được tổ chức bài bản. “Hai đầu hai nải chuối xanh/Chợ Bộng chợ Vẹo nuôi anh tháng ngày? Dẫu chỉ hai câu lục bát nhưng đã minh họa cho thân phận một người phụ nữ chạy chợ nuôi chồng theo con đường khoa bảng.

Chợ Bộng là chợ nằm gần đường 7 thuộc xã Bảo Thành, chợ này nổi tiếng bởi các mặt hàng nồi đất. Cách chợ không xa là làng nghề làm nồi đất lâu đời và nổi tiếng thuộc xã Viên Thành. Chợ Vẹo thuộc xã Liên Thành, từ Hoa Thành đi đến Cầu Thông, rẽ trái độ mấy trăm mét là tới. Dẫu là vùng đất thuần nông với tư tưởng trọng nông nhưng khi những người sống bằng nghề chạy chợ được thi vị hóa chứng tỏ trong cách nghĩ truyền thống của người Yên Thành đã thay đổi.

Lại nói chuyện chợ Dinh. Cha tôi là người có nhiều duyên nợ với chợ Dinh. Người vợ đầu của ông là bà Hoàng Thị Bốn, người có nhan sắc, năng động, linh hoạt. Ở cái thời mà không có mấy ai thiện cảm với nghề buôn thì bà vẫn có gánh hàng xén buôn bán ở chợ. Hàng này bà chạy chợ kiếm tiền còn cha tôi ở nhà đọc sách và ngẫm chuyện thế sự. Cũng chính vì thế mà ông là người hiểu sâu sắc về văn hóa chợ.

Từ khi người Pháp cho mở chợ Dinh to đẹp ở xóm Đình Phùng, thương nhân từ các nơi khác đổ về, không chỉ là người từ mọi miền của đất nước mà còn có cả người Hoa, người Thái... Hoa Thành không còn là vùng đất thuần nông nữa mà đã trở thành đất hợp cư với nhiều ngành nghề khác nhau.

Việc chạy chợ trước đây vẫn là của phụ nữ, dần dần có thêm sự tham gia của đấng mày râu. “Nhiều tiền buôn Đông, ít tiền buôn Tây”. Phía Đông của Hoa Thành là đất Diễn Châu, có cửa Lạch Vạn với sự du nhập của nhiều tàu buôn nước ngoài. Ai dài vốn có thể xuống đó ôm hàng về chợ bán. Phía Tây của Hoa Thành là miền sơn cước, trong lúc nông nhàn đám trai tráng có thể lên đó đốn củi mang về chợ bán hoặc cày trại, lấy tiền công bằng khoai sắn…

Cũng có người có tầm nhìn xa hơn, lên mạn Tân Kỳ mua trâu bò về xuôi bán. Con trâu là đầu cơ nghiệp mà! Chợ Dinh là chợ duy nhất ở Yên Thành bán Trâu bò vào những hôm chợ phiên. Một số người có chữ nghĩa đã gia nhập đội quân này và trở thành thương nhân, buôn bán có tiền để rồi về tậu ruộng./.

Phan Thế Hải