Bản nghèo giữa… phố

Dù nằm trong địa giới hành chính của thị trấn Thường Xuân nhưng bản Mạ lại nằm biệt lập bởi núi cao và sông sâu. Con đường duy nhất kết nối bản với thế giới bên ngoài là cây cầu treo lắc lẻo, nhưng cầu cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại, còn giao thương hàng hóa vẫn phải "lụy đò".
ban-ma-1718100746.jpg
Do địa lý ngăn sông cách núi, nên đời sống của người dân trong bản Mạ gặp rất nhiều khó khăn

Bản Mạ nay là khu phố Thanh Xuân thuộc thị trấn Thường Xuân (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa). Đây được xem là điểm sáng để khai thác và phát triển du lịch cộng đồng. Bản có 54 hộ dân với hơn 320 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Là bản sống tách bạch với thế giới bên ngoài bởi núi cao và sông sâu nên đời sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.

Khi cầu treo chưa gánh nổi làng

Bản Mạ nằm biệt lập bên dòng sông Chu, nên trước khi có cây cầu bắc qua sông, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là tự cung tự cấp, dựa vào cuốc nương làm rẫy để sinh sống. Phương tiện duy nhất để kết nối bản với thế giới bên ngoài là những chiếc thuyền, bè cũ kỹ được đan từ những cây tre, hay nhiều cây luồng ghép lại.

Từ năm 2016, cây cầu treo bắc qua sông Chu được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã đưa đời sống của người dân nơi đây "sang trang mới". Sau khi có cầu treo bắc qua sông Chu, người dân bản Mạ đã có điều kiện thuận lợi hơn trong giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế. Cũng từ đấy, con đường đến trường của những đứa trẻ trở nên thuận tiện hơn.

Ông Vi Văn Tiên, Bí thư Chi bộ khu phố cho biết: “Ngày trước khi chưa có cầu, đời sống bà con chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt là việc đi lại, học tập của các cháu nhỏ. Từ khi có cây cầu treo bắc qua đây, bà con chúng tôi vui mừng lắm, việc đi lại, buôn bán cũng thuận lợi hơn, từ đó, đời sống người dân từng bước được nâng lên”.

ban-ma-2-1718100872.jpg
Cây cầu treo kết nối duy nhất giữa bản với thế giới bên ngoài nhưng chỉ phục vụ nhu cầu đi lại, còn giao thương vận chuyển hàng hóa rất khó khăn vì trọng tải cầu yếu.

Với thế mạnh về du lịch, các hộ dân trong bản đã bắt đầu học tập, đầu tư phát triển du lịch, từng bước thay đổi cuộc sống vốn lam lũ trước đây. Tuy nhiên, dưới những mái nhà sàn tưởng như thanh bình, no đủ ấy là cuộc sống của hàng chục hộ gia đình đang chật vật với những khó khăn. Bởi khu phố có 10 hộ đăng ký làm du lịch cộng đồng, nhưng chỉ 2 hộ thường xuyên có khách. Còn lại tất cả hộ dân đều phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Để tiêu thụ lâm sản, cần phải vận chuyển qua sông, trong khi trọng tải của cầu treo vẫn chưa đáp ứng được nên các hộ đành phải chấp nhận quay về bến đò cũ.

Không chỉ có vậy, mỗi khi cần đầu tư xây dựng, các hộ dân đều phải bỏ ra một khoản chi phí khổng lồ thuê người dùng xe máy chở từng bao xi, viên gạch qua cầu treo. Chính vì vậy, mà một ngôi nhà được xây dựng ở bản Mạ có giá trị gần gấp đôi những ngôi nhà khác ở bên bờ sông.

Bí thư chi bộ Vi Văn Tiên nói: Trồng được cây luồng, cây keo, bà con đã vất vả thu hoạch từ rừng cách nhà 4 - 7km, lại phải thuê xe vận chuyển ra bờ sông, rồi thuê người khiêng vác xuống sông ghép lại thành bè, mảng. Chưa hết, lúc sang bờ bên kia sông, bà con lại thêm một lần nữa thuê người bốc dỡ từng cây đưa lên Tỉnh lộ 519 mới bán được cho xe đến thu mua. “Bán được một cây luồng, cây keo, bà con trong khu phố vất vả đủ bề. Vừa mất thời gian, vừa tốn quá nhiều công sức, nên thu nhập chẳng được là bao”, Bí thư Vi Văn Tiên bộc bạch.

Ngày xây dựng các điểm lẻ trường mầm non và tiểu học cho các cháu, bà con trong khu phố phải gùi từng bao xi măng, viên gạch... từ bên kia sông đưa xuống mảng, sau đó lại xúc vào gùi để vận chuyển lên bờ. Bè, mảng thiếu an toàn, lại không chở được là bao, có thời điểm một vài hộ dân đã dùng hơn 50 chiếc thùng phuy ghép lại với nhau, chất thêm luồng tạo mặt bằng phía trên rồi gắn động cơ làm phương tiện vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, do là phương tiện tự chế, nên nó đã bị cấm từ lâu.

Cũng theo ông Vi Văn Tiên, tất cả phương tiện mà người dân dùng để qua sông đều phải hoạt động chui, bởi quanh khu phố, chưa có một bến thủy nội địa nào được cấp phép. Biết làm vậy là sai quy định của pháp luật, song vì mưu sinh, bà con cũng chẳng còn con đường nào khác.

Khu phố còn nhiều hộ khó

Từ khi có cây cầu treo bắc qua đây, người dân mua sắm xe máy, xe đạp để qua cầu đi làm công nhân, hay buôn bán trong các khu chợ. Trẻ em cũng được đến học tập ở khu trường chính bên kia sông. Cầu xây xong cũng tạo thêm điểm nhấn cảnh quan, cùng với vẻ đẹp thanh bình, yên ả và những giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, khu phố Thanh Xuân đã được huyện Thường Xuân tập trung đầu tư xây dựng trở thành điểm du lịch cộng đồng, mỗi năm đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan.

Nhưng rồi, cây cầu nên thơ kia cũng chỉ đáp ứng nhu cầu cho người dân khu phố đi lại và việc học tập của con em, còn nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu vẫn còn bỏ ngỏ. Chưa thể hoàn thành “xứ mệnh” là cây cầu kinh tế giúp bà con nơi đây rũ bỏ đi cái đói nghèo đeo bám bấy lâu nay.

ban-ma-3-1718100972.jpg
Anh Lê Quốc Cường đã phải thuê 5 người dùng xe máy trong một ngày chỉ để chở 3 tấn xi măng và 400m2 gạch lát nền.

Bí thư chi bộ Vi Văn Tiên cho biết thêm: Dù khu phố có thế mạnh về phát triển du lịch, nhưng do lượng du khách đến tham quan còn hạn chế, lại không ổn định, nên phần lớn bà con trong khu phố vẫn tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Trong khi thiếu đường vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, nên cuộc sống của bà con chưa thay đổi được nhiều. Mới đây, qua bình xét, trong số 54 hộ dân của khu phố vẫn còn 12 hộ nghèo, 38 hộ cận nghèo, chỉ có 4 hộ thoát nghèo.

Cũng từ khi được chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng, bên cạnh những mái nhà sàn truyền thống, người dân đã đầu tư xây dựng thêm công trình phụ trợ phục vụ du khách, như nhà vệ sinh, bếp nấu, sân vườn, cảnh quan... Tuy nhiên, họ đều phải mua nguyên vật liệu xây dựng từ thị trấn Thường Xuân, thuê xe chở đến đầu cầu treo bên kia, rồi lại thuê xe máy chở nhỏ lẻ về công trình. Thành ra, chi phí xây dựng của bà con khu phố Thanh Xuân thường tốn gấp 2 - 3 lần so với cùng một công trình phía bên kia sông.

Như mới đây, anh Lê Quốc Cường đã phải thuê 5 người dùng xe máy trong 1 ngày (chi phí thuê mỗi người là 400 nghìn đồng) để chở 3 tấn xi măng, 400m2 gạch lát nền. “Nếu mua cát, thì bà con phải thuê người khiêng từng chuyến từ Tỉnh lộ 519 xuống mảng đưa qua sông Chu, rồi lại xúc lên bờ mới vận chuyển đến công trình. Do chi phí vận chuyển tăng cao mà mua một khối cát tại chân công trình, người dân nơi đây phải bỏ ra khoảng 1,2 triệu đồng”, anh Cường cho biết.

Ông Lương Văn Thỏa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thường Xuân, cho biết: Trong các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp, bà con khu phố Thanh Xuân đã kiến nghị đến các cấp chính quyền; UBND thị trấn cũng đã đề xuất với UBND huyện đề nghị chính quyền cấp trên và ngành chức năng xem xét cấp phép bến thủy nội địa, gắn với phát triển du lịch cộng đồng cho bà con trong khu phố.

Theo tìm hiểu được biết, UBND huyện Thường Xuân đã khảo sát và xin chủ trương đầu tư xây dựng đường giao thông nối xã Xuân Cao với khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân. Trong khi dự án đang chờ được phê duyệt thì 54 hộ dân ở bản vẫn sống lay lắt giữa làng du lịch thuộc địa giới hành chính của một thị trấn./.

Hà Khải