Tỉnh Lâm Đồng: Ban hành quy định về xây dựng công trình trên đất nông nghiệp

Sáng 27/9, ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký quyết định về việc quy định diện tích đất sử dụng để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, điều kiện áp dụng gồm thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và còn thời hạn sử dụng. Diện tích đất nông nghiệp của khu đất đang sử dụng phải từ 500m2 trở lên, bao gồm một thửa đất hoặc nhiều thửa đất liền kề của cùng người sử dụng. Ngoài ra, không thuộc trường hợp phải chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

2-1727616257.jpg
Lâm Đồng cho phép người dân được xây dựng công trình trên đất nông nghiệp để phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Diện tích đất sử dụng để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp được quy định như sau:

Khu đất có diện tích 500m2 đến 5.000m2 được sử dụng diện tích xây dựng công trình không quá 25m2.

Diện tích từ 5.000m2 đến 10.000m2 được sử dụng diện tích xây dựng công trình không quá 50m2.

Diện tích khu đất từ 10.000m2 trở lên được sử dụng diện tích xây dựng công trình không quá 75m2.

Công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp được xây dựng tại nhiều vị trí trong khu đất, nhưng tổng diện tích không vượt quá quy định nêu trên.

1-1727616241.jpg
Các công trình xây dựng phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp được xây dựng tại nhiều vị trí trong khu đất, nhưng tổng diện tích không được vượt quá quy định trên.

Người sử dụng đất khi có nhu cầu xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì gửi thông báo bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi có đất. Đồng thời, UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, lập hồ sơ theo dõi việc xây dựng công trình trên đất đúng theo quy định.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2024. Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng, có thể coi đây là một hướng đi mới, nhằm tạo điều kiện để bà con nông dân thuận lợi hơn trong quá trình canh tác, hướng đến nhu cầu thiết thực của người dân. Từng bước mang lại hiệu quả canh tác và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương./.

Nguyễn Thuyết