Bài học từ "biết người biết của"

Một thanh niên thành tích học tập ưu tú đến một công ty lớn xin vào chức vụ quản lý. Anh dễ dàng vượt qua đợt thi tuyển vòng ngoài, nhưng còn phải trải qua cuộc phỏng vấn do chính Tổng giám đốc chủ trì.
2130-phong-van-152272297317474505104-1646281597.jpg
Minh họa

Đọc lý lịch của người thanh niên, vị Tổng giám đốc đánh giá anh rất cao, từ trung học đến nay anh luôn đạt thứ hạng giỏi, và việc học của anh không hề bị gián đoạn.

Ông hỏi: “Anh có học bổng của nhà trường không?”

Người thanh niên trả lời: “Thưa ông, không!”

Ông lại hỏi: “Vậy cha của anh đóng tiền học phí?”

Người thanh niên nói: “Ba tôi chết khi tôi mới một tuổi, chính mẹ tôi đóng học phí cho tôi”.

Vị Tổng giám đốc hỏi tiếp: “Vậy chắc mẹ anh là nhân viên cấp cao ở một công ty nào đó?”

Người thanh niên: “Không, mẹ tôi làm nghề giặt thuê quần áo”.

Tổng giám đốc yêu cầu chàng trai cho xem hai bàn tay. Hai bàn tay anh mềm mại, nhẵn nhụi không một vết chai. Vị Tổng giám đốc hỏi: “Có lẽ anh chưa bao giờ phụ mẹ anh giặt quần áo?”. Người thanh niên trả lời: “Chưa bao giờ, bởi vì mẹ tôi chỉ muốn tôi học chăm, bà nói để bà giặt sẽ nhanh hơn nhiều”.

Nhìn anh giây lát rồi vị Tổng giám đốc chậm rãi nói: “Tôi có một yêu cầu. Hôm nay về nhà anh hãy rửa tay cho mẹ rồi giúp mẹ anh giặt đồ, ngày mai đến gặp tôi”.

Thấy mình được hẹn trở lại, chàng thanh niên vui vô hạn. Về tới nhà anh xin mẹ cho rửa tay. Nghe con nói đó là yêu cầu của Tổng giám đốc nên mẹ anh đồng ý.

Người thanh niên rửa tay cho mẹ. Anh vừa rửa vừa khóc. Lần đầu tiên anh phát hiện tay mẹ bị lở loét và đầy những vết xước, nhiều lần bà run lên vì xót. Anh đã hiểu ra, cái nghề giặt áo quần của mẹ vất vả thế nào. Đôi bàn tay lở loét và trầy xước của mẹ là cái giá phải trả cho bằng tốt nghiệp và tương lai của anh.

Rửa tay cho mẹ xong, anh giặt hết số quần áo mẹ đã nhận về. Tối hôm đó hai mẹ con trò chuyện với nhau rất lâu.

Hôm sau, đúng giờ hẹn, người thanh niên trở lại công ty gặp vị Tổng giám đốc. Ông hỏi: “Anh đã thực hiện yêu cầu của tôi chưa?”. Người thanh niên trả lời: “Tôi đã rửa tay cho mẹ và giặt số áo quần mẹ tôi đã nhận”. Ông lại hỏi: “Và anh cảm thấy thế nào?”.

Người thanh niên từ tốn: “Thưa ông, tôi nhận được ba bài học:

- Thứ nhất, tôi hiểu, nhờ mẹ mà tôi có ngày hôm nay.

- Thứ hai, tôi hiểu, kiếm được đồng tiền vất vả thế nào.

- Thứ ba, tôi hiểu, phải nhập cuộc mới cảm thông với cuộc đời”.

Vị Tổng giám đốc nói: “Anh đã được nhận. Tôi chỉ nhận những ai có lòng biết ơn, hiểu được giá trị của lao động cực khổ, và biết cảm thông với người khác. Tôi dị ứng với những kẻ xem tiền bạc làm mục tiêu chính của cuộc đời”.

Chàng trai "luôn xuất sắc" đã nhận được từ nhà tuyển dụng một bài học để đời. Và đó cũng là bài học sâu sắc cho mỗi chúng ta. Bạn có thể mua cho con đủ thứ tiện nghi, nhưng đừng quên dạy con hiểu giá trị của lao động và trân trọng những gì mình nhận được.

Chỉ có như vậy, khi lớn lên, ra ngoài xã hội, con cái chúng ta mới biết trân trọng sự hy sinh của cha mẹ và cảm thông với khổ đau của cuộc đời. Đó chính là cách bạn dạy cho con mình lòng biết ơn với cuộc sống./.

Thái Hà TH