Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý, các hộ chăn nuôi đều đánh giá cao mô hình liên kết chăn nuôi gà Mía an toàn sinh học. Qua đó, đề xuất, kiến nghị các cấp lãnh đạo địa phương quan tâm hỗ trợ vốn, giống, khoa học kỹ thuật... nhằm nhân rộng mô hình tới các cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình và gìn giữ, phát triển đàn gà Mía, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và đẩy mạnh chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, phát triển bền vững.
Giống gà Mía do Công ty TNHH MTV Gà giống DABACO sản xuất, có khả năng chống chịu, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, có ngoại hình đẹp, mào cờ, lá tai đỏ, da màu vàng, vàng nhạt, chân cao. Gà trống có màu lông đỏ sẫm, màu mận chín hoặc đen. Gà mái có màu lông lá chuối khô, màu đất sét. Khối lượng khi xuất bán gà mái nặng từ 1,9 - 2,1kg, gà trống đạt 2,7 - 2,8kg, thịt săn chắc được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Từ đầu năm 2023, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố tiến hành chọn 7 hộ tham gia mô hình chăn nuôi gà Mía an toàn sinh học với quy mô 12.000 con, trong đó huyện Gia Bình: 6.000 con, huyện Yên Phong: 1.000 con và thị xã Thuận Thành: 5.000 con.
Mô hình liên kết chăn nuôi gà Mía an toàn sinh học có tỷ lệ nuôi sống cao hơn 97,5%, gà khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh, độ đồng đều cao, sau khoảng 105 ngày cho xuất chuồng, gà đạt bình quân 2,3kg/con, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho lãi khoảng 70.000đ/con, cao hơn 23% so với chăn nuôi gà Mía ngoài mô hình.
Các hộ tham gia mô hình nuôi gà Mía được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện nghiêm quy trình từ úm gà, tiêm vắc xin và chăm sóc gà đến khi bán. Bên cạnh đó, một số đơn vị doanh nghiệp đã đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm đầu ra, đơn cử như Công ty TNHH Thương mại TNC Vina nhận bao tiêu sản phẩm với giá 85.000đ/kg để cung cấp cho các nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học...