Mang trong mình nhiều lợi thế để phát triển, tuy nhiên lĩnh vực du lịch của huyện vẫn gặp phải một số khó khăn, như: Toàn huyện có 16 cơ sở lưu trú phục vụ du khách; nguồn nhân lực du lịch hạn chế với trình độ chuyên môn nghiệp vụ đại học, cao đẳng chiếm 20%, trình độ trung cấp, sơ cấp chiếm 15%; lao động được đào tạo chuyên ngành du lịch chiếm 7%; lao động có trình độ ngoại ngữ chỉ có khoảng 5%; số lượng hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn huyện là 4 người. Bên cạnh đó còn hạn chế về đường giao thông; chưa thu hút được các doanh nghiệp, công ty lữ hành trong việc xây dựng các địa điểm, tua tuyến phát triển du lịch.
Đồng chí Ma Văn Tỏe, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định du lịch là ngành mang đến sự phát KT – XH, từ đó huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh; Khoa du lịch trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Công ty Du lịch Travel và một số doanh nghiệp du lịch nội địa khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch và kết nối điểm du lịch “Huyền thoại sông Gâm”; phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam VTV1 xây dựng 2 số phát sóng trên chương trình “Việt Nam thức giấc” để quảng bá tài nguyên, các điểm đến du lịch tại Bắc Mê. Tổ chức khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch mới. Xây dựng và ban hành nhiều đề án, kế hoạch du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch gắn liền với các điểm du lịch lịch sử. Quá đó, quý I vừa qua huyện đã thu hút được hơn 5.000 lượt người đến thăm quan, nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, huyện tăng cường triển khai các giải pháp, cụ thể như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông, viễn thông và nâng cấp chất lượng cơ sở lưu trú để thuận lợi cho việc phát triển du lịch và thu hút du khách; xử lý 12 vị trí đường cong khuất tầm nhìn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên Quốc lộ 34; cải tạo, nâng cấp đường Minh Ngọc - Mậu Duệ. Chú trọng liên kết phát triển du lịch vùng, tham gia sáng lập nhóm hợp tác phát triển du lịch vùng gồm các huyện Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang), Ba Bể, Pác Nặm (Bắc Kạn); tổ chức mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư du lịch tham gia dự án vào các khu du lịch trọng điểm: Du lịch lòng hồ; khu vui chơi giải trí; điểm dừng chân; du lịch mạo hiểm; nâng cao chất lượng hoạt động của các làng văn hóa du lịch cộng đồng homestay dân tộc Tày, Dao, Mông, Pu Péo...
Với việc chú trọng phát triển dịch vụ, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa truyền thống các dân tộc và lịch sử địa phương, hy vọng đến năm 2025 Bắc Mê sẽ là điểm dừng chân, nằm trong các tua, tuyến du lịch của tỉnh.