Bạc Liêu - Cà Mau tìm giải pháp sớm hoàn thành cầu Gành Hào

Ngày 23/12, đoàn công tác tỉnh Cà Mau do ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu về việc triển khai dự án cầu Gành Hào thuộc dự án cầu qua sông Ông Đốc, tuyến trục Đông Tây và cầu Gành Hào.

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cùng đại diện các sở, ngành có liên quan. Dự án cầu Gành Hào là dự án thành phần 3, thuộc dự án cầu qua sông Ông Đốc, tuyến trục Đông Tây và cầu Gành Hào được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 1028 của UBND tỉnh ngày 31/5/2021.

Vị trí của dự án cầu Gành Hào có điểm đầu giao với đường trục Đông Tây tại lý trình Km 39+550 và đường bộ ven biển của tỉnh Cà Mau. Điểm cuối của dự án cầu kết nối vào đường hiện hữu là đường 1/3 theo quy hoạch chung thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

202327-ca-mau-cay-cau-co-gia-tri-hon-54-ty-dong-bat-ngo-bi-do-sap-1640255378.jpeg
Bạc Liêu - Cà Mau tìm giải pháp sớm hoàn thành cầu Gành Hào

Cầu có thiết kế tải trọng là HL93, rộng 12m (phần xe chạy là 11m), do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư với tổng mức kinh phí hơn 650 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây lắp chưa tính dự phòng là 480 tỷ đồng. Tổng chi phí giải phóng mặt bằng là 60 tỷ đồng (địa bàn tỉnh Bạc Liêu khoảng 20 tỷ đồng).

Về phía tỉnh Bạc Liêu đã bàn giao ranh, mốc giải phóng mặt bằng cho UBND huyện Đông Hải và các đơn vị có liên quan đã triển khai việc đo đạc, lập phương án bồi thường. Phía tỉnh Cà Mau cũng đã duyệt kế hoạch do đạc, kiểm điếm, lập phương án bồi thường và tổ chức họp dân để triển khai thông báo thu hồi đất, xây dựng khung chính sách bồi thường và hỗ trợ tái định cư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trong quyết định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao địa phương tự chủ ngân sách trong khâu bồi thường và giải phóng mặt bằng. Nhưng, do dự án có 1 phần nằm trên địa phận tỉnh Bạc Liêu nên không thể dùng ngân sách của Cà Mau. Do đó, hai tỉnh phải có phương án thống nhất trong việc triển khai dự án cũng như xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện. Điều này để tránh tình trạng không đồng nhất trong về chủ trương, chính sách làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Sau khi nghe đại diện UBND tỉnh Cà Mau trình bày cũng như các sở, ngành của 2 tỉnh đóng góp ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận cho rằng, để dự án sớm được triển khai, hai tỉnh cần thống nhất chọn một đơn vị tư vấn để giải quyết nhất quán các thủ tục, tránh sự chồng chéo. Các đơn vị phụ trách của hai tỉnh như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban giải phóng mặt bằng… phải thường xuyên phối hợp để đẩy nhanh tiến độ; giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vướng mắc phát sinh và kịp thời báo cáo với UBND của hai tỉnh có phương án hiệu quả nhất.

Cũng theo ông Lê Tấn Cận, khi cầu Gành Hào nối 2 hai tỉnh Bạc Liêu – Cà Mau hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giúp cho việc di chuyển qua lại của bà con được thuận tiện, dễ dàng và là động lực thúc đẩy việc giao thương hàng hóa của hai địa phương./.