Người khởi xướng Tết trồng cây và ý nghĩa thời đại

Mùa Xuân Canh Tý cách đây vừa hơn tròn 60 năm, Bác Hồ đã tham gia trồng cây với nhân dân Thủ đô ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội; chính thức khởi xướng Tết trồng cây truyền thống hằng năm.
bac-ho-1644286140.png
Bác Hồ trồng cây Đa ở công viên Thống nhất

Từ đó đến nay, mỗi dịp xuân mới, các địa phương trong cả nước đều thực hiện Tết trồng cây như một mỹ tục, một tập quán tốt đẹp của dân tộc ngày xuân. Sinh thời, Bác Hồ đã có nhiều bài viết, bài nói về phong trào Tết Trồng cây. Những lời dạy của Người: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, "Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân" đã được nhân dân cả nước, từ già đến trẻ thuộc nằm lòng.

Trong bài báo “Tết trồng cây” trên Báo Nhân dân ngày 28/11/1959, Người phân tích lợi ích trước mắt của việc trồng cây, từ đó đề nghị tổ chức một ngày "Tết trồng cây" hằng năm. Ngày 09/5/1961, nói chuyện với nhân dân ở Đảo Cô Tô, Hải Ninh (Quảng Ninh), Người căn dặn: Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to lớn, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp.

Ngày 20/01/1965, trong bài “Hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây” đăng trên báo Hà Đông, Người viết: “Muốn xây dựng nông thôn mới, việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ có việc đó cũng đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây”.

Trong những bài viết, Bác Hồ nêu rõ tác dụng của việc trồng cây, đó là công việc "tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, làm cho “nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.

Bác cho rằng Tết trồng cây "cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”. Người đặc biệt lưu ý phải liên hệ chặt chẽ "Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây gây rừng, "trồng cây nào, chắc cây ấy”. Người còn lưu ý: "Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục…”, "Sở dĩ Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ, là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó”.

Không chỉ phát biểu hay viết bài kêu gọi trồng cây, Bác Hồ còn chủ động tham gia trồng cây. Mùa xuân năm Canh Tý 1960, Người tham gia Tết trồng cây đầu tiên ở công viên Thống Nhất, Hà Nội. Từ đó cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về hằng năm, Người đều cùng nhân dân trồng cây.

Với Bác Hồ, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho nhân dân; đặc biệt là giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái; lối sống hòa đồng giữa con người với thiên nhiên. Nên tại những nơi Người sống và làm việc luôn có cây xanh, rau xanh, cây ăn quả và các loại hoa.

Núi rừng Tuyên Quang - nơi chở che cho Người những năm trước Cách mạng tháng Tám và những năm kháng chiến chống Pháp đã chứng kiến nhiều vườn cây, vườn rau Bác trồng. Cây hoa Bác Hồ ở Trung Trực (Yên Sơn) hiện đang được Đảng bộ và nhân dân địa phương chăm sóc như một kỷ vật về Bác, cùng là để giữ gìn truyền thống trồng cây tốt đẹp của Người.

Mùa xuân cuối cùng của Người năm Kỷ Dậu 1969, dù sức khỏe không còn tốt, Người vẫn tham gia Tết trồng cây ở Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội. Trong bản Di chúc thiêng liêng, Người vẫn nhắc việc trồng cây: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp.

Với việc phát động “Tết trồng cây” từ 60 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy tầm nhìn đi trước thời đại, kêu gọi con người phải chủ động giữ gìn môi trường sinh thái. Đây chính là vấn đề bức thiết, mang tính toàn cầu, chứ không chỉ của riêng quốc gia nào. Phong trào trồng cây do Bác Hồ phát động từ hơn 60 năm trước thể hiện cụ thể tình yêu của con người đối với thiên nhiên, cũng là ý thức trách nhiệm của con người văn hóa, văn minh đối với môi trường sống của toàn nhân loại.

Hưởng ứng lời kêu gọi Tết trồng cây của Người, các địa phương trong cả nước đã từng có các phong trào "Tết trồng cây", "Tết trồng cây vì miền Nam ruột thịt", "Tết trồng cây đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", và nay là "Tết trồng cây làm theo lời Bác", "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ".

Thiên nhiên đang suy thoái, tài nguyên đang cạn kiệt, môi trường đang ô nhiễm với tầm nhìn xuyên thế kỷ Bác Hồ đã chỉ cho chúng ta những việc làm thiết thực không chỉ cho hôm nay mà cả mai sau, những nền tảng cho con cháu chúng ta./.