Bắc Giang: Lãnh đạo huyện Sơn Động thừa nhận "rất chậm" trong việc xử lý sai phạm đất đai trên địa bàn

Mặc dù phát hiện sai phạm từ khi “dự án không phép” mới san gạt đất nhưng chính quyền huyện Sơn Động (Bắc Giang) và các cơ quan chuyên môn đã không sát sao, quyết liệt dẫn tới “sai phạm chồng sai phạm” tại dự án của Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Tây Yên Tử. Bên cạnh đó còn một số sai phạm liên quan tới đất đai, xây dựng tại huyện này nhưng không được xử lý dứt điểm.

Như chúng tôi đã thông tin trong các bài báo trước. Điển hình về những sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng trong thời gian gần đây tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang là dự án trạm trộn bê tông của Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Tây Yên Tử (Công ty Tây Yên Tử) tại Tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Tây Yên Tử. Điều đáng nói, đây là một dự án không hề nhỏ và không thể thực hiện trong một sớm, một chiều thế nhưng khi các hạng mục đã hoàn thành và trạm trộn đi vào hoạt động thì chính quyền mới vào cuộc xử lý... quyết liệt(?)

dji-021500-01-07-11still001-1668682333.jpg
Trạm trộn bê tông được xây dựng khi chưa có giấy phép tại Tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Tây Yên Tử.

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, ngày 31/10/2022, tại thời điểm các cơ quan chức năng kiểm tra, Công ty Tây Yên Tử chỉ xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh mã số thuế 2400934752 cấp ngày 15/3/2022, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Hợp - Chức danh Tổng giám đốc. Ngoài ra không cung cấp được hồ sơ giấy tờ gì khác… Nhưng trên một khu vực đất rừng sản xuất rộng lớn, doanh nghiệp này đã xây dựng xong và đưa vào hoạt động nhà điều hành lợp mái tôn 67m x 7m (469m2); Trạm trộn bê tông có 3 bồn; một trạm hạ áp...

1-1668682491.jpg
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại khu vực trước khi trạm trộn bê tông mọc lên.

Trước đó gần một tháng, ngày 6/8/2022, UBND thị trấn Tây Yên Tử đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối đối với ông Ngô Văn Tuấn vì hành vi hủy hoại đất quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 15 của Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Số tiền xử phạt là 3.500.000 đồng và biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm”. Thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt. Thế nhưng khắc phục hậu quả đâu chẳng thấy mà chỉ thấy "sai phạm lại chồng thêm sai phạm" khi công trình trạm trộn bê tông "không phép" bỗng "như có phép" điềm nhiên đi vào hoạt động trên khu đất rừng này.

1654926853080-img-2206-1668682821.jpg
Ông Lê Đức Thắng được giao trực tiếp xử lý vi phạm đất đai, xây dựng đối với Công ty Cổ phần bê tông và xây dựng Tây Yên Tử (Ảnh cổng thông tin huyện Sơn Động).

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 26/10/2022, UBND huyện Sơn Động ban hành Văn bản số 3058/UBND-TH về việc xử lý dứt điểm các vi phạm về đất đai trên địa bàn huyện (thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy họp ngày 24/10/2022).

Ngày 02/11/2022, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động giao Phó Chủ tịch UBND huyện - Lê Đức Thắng trực tiếp kiểm tra tại thực địa và ban hành Công văn số 3165/UBND-KT về việc xử lý vi phạm đất đai, xây dựng đối với Công ty Tây Yên Tử.

Ngày 03/11/2022, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Đức Thắng làm việc với Điện lực Sơn Động và chỉ đạo dừng cung cấp điện để khắc phục hậu quả...

12-1668683082.jpg
Những chiếc xe bồn từ trạm trộn đi ra, tuy nhiên khi thấy sự xuất hiện của phóng viên thì những chiếc xe này liên "nằm im bất động".

Các Văn bản được ban hành "dồn dập" và theo lẽ thường, việc đôn đốc, giám sát doanh nghiệp khắc phục hậu quả phải rất quyết liệt nhưng theo những hình ảnh mà phóng viên ghi nhận vào ngày 16/11/2022 thì tại trạm trộn bê tông của Công ty Tây Yên Tử (Tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Tây Yên Tử) vẫn có "xe ra xe vào".

Cụ thể, những chiếc xe chở vật liệu vẫn “cấp” hàng vào bãi và vẫn có những chiếc xe bồn chở bê tông chạy từ khu vực trạm trộn ra(?)

Nêu ý kiến về việc này, luật sư Nguyễn Văn Cân (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng trường hợp này phải làm rõ các cá nhân, tổ chức có "lấn cấn" gì trong quản lý đất đai tại Sơn Động nói chung và Tây Yên Tử nói riêng hay không?. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt làm rõ các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, buông lỏng quản lý (nếu có) vì đây là "lá phổi xanh" của tỉnh Bắc Giang, là nơi du lịch tâm linh của người dân trong khu vực.

"Phải chăng các quy định của pháp luật không đủ nghiêm minh, không răn đe được những trường hợp vi phạm hay vì lí do nào khác?" - Luật sư Cân nói thêm.

3333-1668682939.jpg
Máy móc và công nhân vẫn hoạt động nhộn nhịp như một công trường.

Được biết, tại báo cáo số 269, ngày 15/11/2022 do ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động ký gửi Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Giang, ông Trọng thừa nhận việc xử lý một số vi phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất trên địa bàn diễn ra "rất chậm". Riêng trường hợp vi phạm của Công ty Tây Yên Tử, báo cáo có nêu: Ngày 11/11/2022, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 4688/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty Tây Yên Tử, số tiền 67.500.000 đồng, quy định tại Khoản 2, Điều 28, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trong thời gian 10 ngày (kể từ ngày ban hành quyết định), giao các đơn vị theo dõi, đôn đốc Công ty Tây Yên Tử (Người đại diện theo pháp luật: Nguyễn Văn Hợp) thực hiện nghiêm Quyết định trên theo đúng quy định. Đồng thời, chuẩn bị hồ sơ, xây dựng kế hoạch, phương án cưỡng chế theo quy định.

21-1668682964.jpg
Nhưng chiếc xe tải vẫn chở vật liệu vào bãi của trạm bê tông.

Ngoài trường hợp "phá rừng xẻ núi" xây dựng trạm trộn bê tông không phép kể trên thì còn có một số vi phạm liên quan đến đất đai tại thôn Chung Sơn và thôn Lọ (đều thuộc xã Lệ Viễn, huyện Sơn Động).

Cụ thể, bà Lâm Thị Hồng Thanh (trú tại thôn Lọ, xã Lệ Viễn) đã xây dựng các công trình trên đất rừng sản xuất tại thửa đất số 192, tờ bản đồ số 7, tổng diện tích 21.107,5m2. Khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, bà Thanh đã ký cam kết tự tháo dỡ công trình vi phạm xong trước ngày 30/10/2022. Tuy nhiên, quá trình tự phá dỡ công trình vi phạm của bà Thanh diễn ra rất chậm, không thể hoàn thành việc tự tháo dỡ như đã cam kết. Vì thế, ngày 7/11/2022, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động là ông Hoàng Văn Trọng đã ký ban hành Quyết định số 4646/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Thanh. Đồng thời ký ban hành Quyết định số 4645/QĐ-HB về việc huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Vũ Xuân Ban (là người có liên quan tới vi phạm của bà Thanh).

Ngày 14/11/2022, bà Thanh có đơn gửi UBND huyện Sơn Động đề nghị xem xét cho thêm thời gian (3 tháng) để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản, giảm thiệt hại về kinh tế(?)

Đối với sai phạm tại thôn Chung Sơn, xã Lệ Viễn của ông Nông Văn Diễm (xây dựng không phép trên đất rừng sản xuất) thì tình trạng cũng không mấy khả quan khi quá trình tự phá dỡ công trình vi phạm của ông Diễn chậm không kém gì bà Thanh(?). Chính vì vậy, ông Hoàng Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Động đã chỉ đạo UBND xã Lệ Viễn lập hồ sơ cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong thi hành quyết định đối với ông Nông Văn Diễn để chuẩn bị tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Liên quan tới vụ việc này, ông Hoàng Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Động đã bị lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang phê bình do không kịp thời kiểm tra, thiếu kiên quyết xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn, chậm khắc phục hậu quả. Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Sơn Động kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc để xảy ra vi phạm nêu trên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Vô Ngã - Quang Nhật