Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Lê Ngọc Linh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, vượt xa các mục tiêu đã đề ra và ghi lại những dấu ấn đáng kể trong nền kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Thu hút 27 dự án FDI với tổng vốn đăng ký lên trên 145,4 triệu USD
Bà Rịa - Vũng Tàu đã khẳng định vị thế, là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình giải quyết thủ tục giúp tiết kiệm thời gian và cả về chi phí cho doanh nghiệp.
Điển hình, trong 10 tháng của năm 2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 27 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký lên đến 145,4 triệu USD. Tỷ lệ vốn FDI đạt gần 96% kế hoạch, cho thấy sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, vốn đầu tư trong nước cũng đạt 168,3% kế hoạch, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp nội địa vào tiềm năng phát triển của tỉnh.
Cụ thể, về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ghi nhận kết quả tích cực với giá trị sản xuất tăng 4,16%, vượt kế hoạch đề ra là 4,13%. Ngành chăn nuôi và thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, với đàn gia súc, gia cầm tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng góp phần lớn vào tăng trưởng phát triển kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ số sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) tăng 15,34%, vượt xa kế hoạch đề ra là 10,11%. Các ngành sản xuất thực phẩm, hóa chất, kim loại và sản phẩm điện tử đều ghi nhận mức tăng trưởng cao, khẳng định vai trò dẫn dắt của công nghiệp trong nền kinh tế tỉnh.
Về dịch vụ lưu trú và lữ hành, doanh thu đã có sự phục hồi khá mạnh mẽ, với mức tăng trưởng lần lượt là 18,48% và 34,18%, vượt xa các mục tiêu đề ra. Điều này cho thấy sự phục hồi của ngành du lịch sau giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, đồng thời phản ánh hiệu quả của các chương trình kích cầu du lịch và quảng bá điểm đến.
Về cơ sở hạ tầng giao thông, theo ông Lê Ngọc Linh cho biết, thời gian qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tập trung đầu tư vào lĩnh hạ tầng giao thông, đặc biệt là nâng cấp cụm cảng, giúp đón được các tàu lớn mà không phụ thuộc vào thuỷ triều. Bên cạnh đó, khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu tăng cao, làm doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 12,09%, vượt mức kế hoạch đề ra là 4%.
Các dự án giao thông chiến lược như: Cao tốc Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cầu Cái Mép đang được đẩy nhanh tiến độ, tạo tiền đề cho sự kết nối liên vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện.
Tính đến cuối tháng 10/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã giải ngân 2.803 tỷ đồng, đạt 67,1% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp hơn so với kỳ vọng, do một số vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ yêu cầu các sở, ban, ngành phải tập trung tháo gỡ các rào cản, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm.
Bắt đầu từ tháng 11, khởi công 10 dự án đầu tư công
Năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phân bổ vốn cho 25 dự án khởi công mới, hiện tại đã có 15 dự án đã khởi công xây dựng, 7 dự án đang tổ chức đấu thầu và 3 dự án còn lại đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư để thực hiện đấu thầu và khởi công.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành Văn bản 16406/UBND-VP về triển khai Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 8/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Cụ thể, trong tháng 11/2024 sẽ khởi công 7 dự án và tháng 12/2024 sẽ khởi công 3 dự án còn lại.
Đối với các dự án ở danh mục bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án và các thủ tục pháp lý về bồi thường giải phóng mặt bằng trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trong tháng 11/2024.
Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là hơn 20.866 tỷ đồng, tới nay đã phân bổ đạt 100%. Tuy nhiên, lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến nay mới đạt hơn 11.758 tỷ đồng, đạt 56,35% kế hoạch (cùng kỳ năm 2023 là 61%).
Ngoài ra, còn có các vướng mắc liên quan đến quá trình triển khai như phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ; chưa quyết liệt chủ động hướng dẫn, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời; năng lực chuyển khai thi công của một số nhà thầu còn hạn chế; chất lượng chuẩn bị dự án chưa cao dẫn đến nhiều dự án chậm trình duyệt…
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ giải ngân đến thời điểm này thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là tổng số vốn đã phân bổ tới nay cao hơn tổng vốn phân bổ năm 2023 là hơn 4.116 tỷ đồng. Cùng đó là các vướng mắc như: bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện thủ tục đầu tư chậm ảnh hưởng đến dự án khởi công mới; vướng mắc liên quan điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Bám sát các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 26/CT-TTg (ngày 8/8/2024) về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024; trong đó quyết liệt thực hiện “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo” trong tổ chức thực hiện, với phương châm “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “thi công 3 ca 4 kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” trong tổ chức thực hiện, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Nhìn chung, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thuộc tỉnh quán triệt đầy đủ vai trò, ý nghĩa của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội./.