Giàu có nhờ tư duy nhạy bén
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nam cho hay: Từ năm 2013, đọc báo, xem thông tin qua các kênh phương tiện thấy ở miền Nam, miền Trung nhiều người dân có trồng được cây chanh tứ quý (chanh tứ mùa) cho quả quanh năm, anh nghĩ chanh là loại quả gia vị nhà ai cũng dùng đến hàng ngày trong các bữa ăn. Thấy chanh tứ quý cho quả quanh năm, vì thế ý tưởng có được vườn chanh tứ quý đã được anh nung nấu.
Sau 1 năm tìm tòi, nghiên cứu học hỏi những kinh nghiệm ở các nhà vườn…, đến năm 2014 anh Nam đã bàn với gia đình quyết định chuyển diện tích 1ha đất trồng ngô của gia đình sang trồng cây chanh tứ quý.
Do chưa có kinh nghiệm về cây trồng mới chanh tứ quý, trong năm đầu trên diện tích trồng có nhiều cây bị nhiễm sâu bệnh, năng suất thấp, nhưng những quả còn lại thì chất lượng vẫn rất thơm, ngon.
Nhận thấy cây chanh tứ quý cũng hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, anh Nam lại tiếp túc tự mình đi học hỏi kinh nghiệm ở các nhà vườn. Sau đó anh đã cải tạo lại vườn, phát triển trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng toàn bộ phân chuồng (phân trâu, bò) để bón cho cây. Khi phát hiện cây bị sâu đục thân, nấm quả và nấm lá, anh tiến hành phun thuốc trong danh mục cho phép để tránh bệnh lây lan và giảm nguy cơ cây chanh bị chết. Vì thế, vườn chanh tứ quý của gia đình anh Nam đã nhanh chóng được phục hồi, xanh tốt quanh năm, mã chanh đẹp, sai quả, mọng nước… cho thu hoạch từ 5-6 vụ/năm.
Sau khi có sản phẩm ổn định, anh Nam đã tập trung vào khâu tiếp thị. Đầu tiên, anh tiếp thị sản phẩm ngay tại địa phương mình tại các quán hàng ăn, quán nước, chợ truyền thống và cả chợ đầu mối ở thành phố Tuyên Quang.
Do sản phẩm có chất lượng, người tiêu dùng Tuyên Quang đã nhanh chóng tiếp nhận, sử dụng. Những quả chanh tứ mùa của anh Nam đã nhanh chóng được bán ở khắp các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang. Vào chính vụ, chanh có giá 8 - 10 nghìn đồng/kg, chanh trái vụ có giá cao gấp 2-3 lần, khoảng 20 - 30 nghìn đồng/kg.
Đầu tư chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm từ chanh
Cùng với việc phát triển vườn chanh tứ quý, anh Nam luôn sẵn sàng chia sẻ, lan toả những kinh nghiệm của mình để các hộ gia đình, các đoàn đến thăm qua học hỏi kinh nghiệm cùng phát triển chanh tứ quý trên mảnh đất Tuyên Quang. Với sự lan toả của anh, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã lựa chọn cây chanh tứ quý để phát triển kinh tế, đã có nhiều hộ gia đình giàu lên từ cây chanh tứ quý.
Để nâng cao cho sản phẩm chanh tứ quý ở Tuyên Quang, năm 2017, được sự hướng dẫn của Hội Nông dân các cấp tỉnh Tuyên Quang, anh Nam đã tổ chức vận động hội viên, nông dân trong phường Đội Cấn thành lập Hợp tác xã (HTX) Trồng rau và cây ăn quả Đội Cấn. Anh được tín nhiệm làm Giám đốc HTX với 9 thành viên (nay là HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Bắc).
Sau khi thành lập được HTX, các thành viên tham gia HTX đã được anh Nam giúp đỡ về giống, hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Ngoài thị trường Tuyên Quang, anh Nam cùng các thành viên HTX đưa sản phẩm đến TP. Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh và cả các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên…
Để tránh bài học nông sản “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, anh Nam đã tìm hiểu các chính sách khuyến khích của Nhà nước, xây dựng mô hình sản xuất sạch, ngoài việc giữ mối tiêu thụ sản phẩm với thương lái ở các tỉnh, thành phố, anh đã chủ động đi “gõ cửa” doanh nghiệp để liên kết bao tiêu nông sản. Sau bao năm vất vả, HTX đã thu được “quả ngọt” khi liên kết được với Công ty Omega Phú Thọ để đưa sản phẩm chanh tứ mùa vào chuỗi các siêu thị trong nước.
Đến đầu năm 2023, HTX đã đầu tư vào hệ thống máy móc hiện đại với 300 triệu đồng để tinh chế các sản phẩm từ quả chanh (nước cốt chanh, nước rửa bát chanh, xịt tinh dầu chanh). Hiện các sản phẩm đã được anh Nam và HTX bán trên các sàn thương mại điện tử như: Lazada, shopee và các mạng xã hội như Tiktok, Facebook...
Đến nay cây chanh đã thực sự là cây làm giàu cho người dân sở tại, toàn phường Đội Cấn đã có 45 ha chanh tứ quý, mỗi ha cho thu nhập bình quân 300 - 500 triệu đồng/năm. HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Bắc với 9 hộ thành viên, mỗi hộ có thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm trở lên, tạo việc làm ổn định cho 40 - 50 lao động ở địa phương, với mức lương 6 - 12 triệu đồng/người/tháng.