Trong ngày trở lại đoàn làm phim chúng tôi mang theo 5 đĩa DVD phim “ Chuyện ở Phá Tam Giang” làm quà cho những nhân vật của mình.
Sau khi xem phim ông giáo Lâm Thành Châu xúc động nói:”Xem bộ phim khiến tôi vô cùng xúc động nhớ lại kỷ niệm khi chúng tôi đi vận động bà con làm giấy khai sinh cho con em họ; nhớ những ngày đứng lớp dạy cho hơn 200 học sinh lớp học tình thương từ lớp 1 đến lớp 5. Là một người lính trong kháng chiến chống Mỹ tôi càng cảm thông hơn với những người ngư dân như anh Chẩn , chị Thảo phải điểm chỉ vào tờ đơn xin cấp giấy khai sinh cho 9 đứa con của mình!”
Gặp gia đình anh Dương Văn Chẩn, chị Hà Thị Thảo cùng 9 đứa con sống trong chiếc thuyền mui rộng vỏn vên 8m2 12 năm trước, chúng tôi mừng vì anh chị đã được lên bờ 6 năm rồi. 6 đứa con đã kết hôn và cho anh chị 6 đứa cháu nội ngoại.
Trong 9 đứa con của anh chị nhờ ông giáo làng Lâm Thành Châu nên chúng đều biết đọc biết viết, đứa học giỏi thì học hết lớp 8, đứa kém hơn cũng học hết lớp 3. Gia đình anh chị đã có tivi, bếp ga…
Nhưng họ vẫn quanh quẩn trong đầm nước lợ kiếm tôm cá mưu sinh, vì chưa thể có thuyền lớn vươn ra biển Đông để đánh bắt xa bờ. Cái nghèo vẫn theo đuổi ông bà, con, cháu dù họ đã biết được cái chữ..
Cậu bé năm xưa theo mẹ ra đầm với quả khế trên tay 12 năm trước trong phim “ Chuyện ở phá Tam Giang” nay đã là chàng trai khôi ngô, khỏe mạnh 15 tuổi đang học học lớp 5 ở trường làng.
Hôm nay cậu đã ra đầm chèo thuyền, buông lưới – làm công việc mà người cha quá cố từng làm. Tấm áo chị Nguyễn Thị Mai mặc hôm nay đã lành lặn, nhưng người đàn bà góa và 5 đứa con vẫn luẩn quẩn đánh cá trong đầm với chiếc thuyền con…
Chị Mai chia sẻ : chỉ mong mỗi ngày kiếm được 50.000 đồng để sống qua ngày!?
Cũng như anh Chẩn chị Thảo ngân hàng không cho chị vay vay tiền để đóng tàu, thuyền công suất lớn để đánh bắt xa bờ…
Câu chuyện tiếp là ông Trần Cớ 12 năm trước ông là phó chủ tịch thị trấn Thuận An- tỉnh Thừa thiên –Huế, nay là chủ tịch mặt trận tổ quốc Việt Nam thị trấn Thuận An.
Sau 12 năm 90% những ngư dân nghèo của ông đã được lên bờ sinh sống nhưng cái nghèo vẫn đeo bám họ. Ông mơ ước nhà nước sẽ hỗ trợ cho dân quê ông có điện, nước và được ưu tiên vay vốn để đóng tàu, thuyền lớn hơn vươn ra biển Đông để làm giàu. Trăn trở của ông trong phim khiến chúng tôi xúc động vì một cán bộ vì dân vì nước…
Đoàn làm phim theo chân ông giáo làng Lâm Thành Châu, người lính có huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất đến thăm những người học trò cũ của ông. Có người tốt nghiệp cao đẳng y như cô sinh viên Phan Thị Phú đang đi Đà Nẵng nơi phát triển hơn quê hương cô để tìm việc…
Đến nhà cô học trò Hà thị Thanh Bình ở thôn Tân Cảng xã Tân Phú đã tốt nghiệp cao đẳng du lịch hiện đang làm việc ở một khách sạn ở thị trấn Thuận An cùng gia đình đón tiếp ông giáo Châu trong một ngày mưa gió.
Sau 12 năm nhưng tình cảm của gia đình họ với ông giáo vẫn chân thành như xưa. Mẹ cô chia sẻ:” khi đó thầy ở nhà của chúng tôi, có rau ăn rau có cháo ăn cháo, có gì mời thầy Châu ăn thứ ấy…” Những kỷ niệm thời khốn khó lại ùa về như mới ngày hôm qua. Khi đó nhà nước cấp 12.000 đồng/ 1 học sinh/1 năm cho ông giáo Lâm Thành Châu. Đúng là chỉ có tấm lòng, trách nhiệm của người lính cụ Hồ với con trẻ và với ngư dân nghèo khó mới có thể giúp ông giáo Châu không quản ngày đêm dạy dỗ những đứa trẻ trong sáng và ngây thơ trên phá Tam Giang vào năm 1999 ấy! Hơn 200 đứa trẻ mà ông dạy dỗ 12 năm trước nay đã là những ngư dân, công dân khỏe mạnh và là trụ cột trong gia đình. Họ đã hơn cha anh là có cái chữ, có kiến thức để mưu sinh…
Dù thành phố Huế đã có chính sách cấp đất, cấp nhà cho cán bộ có huân chương kháng chiến hạng nhất nhưng 8 năm đã trôi qua, ông vẫn ngóng tin!?
Chúng tôi chia tay những ngư dân trên phá Tam Giang trong một chiều mưa…
Thôn Tân Phú, Tân Bình gợi cho chúng ta sự no ấm, thanh bình. Nơi đây đã có đình làng, cổng làng, có chợ..
Được biết thị trấn Thuận An sắp trở thành thị xã, thôn Tân Phú, Tân Bình sắp trở thành phường! Đống rác bên chợ vẫn chưa có ai dọn, những đứa trẻ vẫn đội mưa đến trường, chiếc thuyền mui trong mưa gió và một phần mười ngư dân của ông Trần Cớ vẫn sống dưới thuyền không biết mình sắp trở thành thị dân!
Mừng thì có mừng nhưng những người làm phim chúng tôi vẫn thấy lo!
Đó là tâm trạng của chúng tôi khi rời phá Tam Giang.