Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam với hơn 55% tổng kim ngạch của ngành gỗ. Đây cũng là thị trường có nhu cầu lớn với các mặt hàng kể cả cao cấp cũng như các mặt hàng bình dân. Điều này tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ tìm kiếm được các phân khúc thị trường cho hàng hóa của mình tại thị trường Hoa Kỳ.
Vừa qua, ngành gỗ Việt Nam còn đón nhận tin vui là Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Động thái này chứng tỏ ngành gỗ Việt Nam minh bạch, không bán phá giá, từ đó sẽ góp phần thúc đẩy sản phẩm gỗ Việt Nam rộng đường vào Hoa Kỳ và đạt được mức tăng trưởng cao từ nay đến cuối năm.
Các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã khai thác hiệu quả phân khúc thị trường tại Hoa Kỳ bằng việc đẩy mạnh các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu, xu hướng của người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng và cải tiến mẫu mã để gia tăng sức cạnh tranh.
Tại Công ty Cổ phần Woodsland, kho hàng chờ xuất khẩu luôn sẵn sàng hàng dự trữ. Người lao động và máy móc hoạt động hết công suất. Nhà máy này đang gấp rút sản xuất những tháng cuối năm để sẵn sàng cung ứng lượng lớn hàng đồ gỗ nội thất phục vụ mùa lễ hội cho các thị trường nước ngoài.
"Mỗi tháng chúng tôi xuất khẩu khoảng 250 container đi các thị trường châu Âu và Mỹ, cao hơn khoảng 20% so với năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng số tăng trưởng này sẽ còn lớn hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm", đại diện Công ty Cổ phần Woodsland cho biết.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, cùng với nhu cầu thị trường “ấm dần”, song song với việc tìm kiếm khách hàng, doanh nghiệp ngành gỗ cần chủ động chuyển đổi sang những nguyên liệu thân thiện môi trường, các nguyên liệu tái chế vừa tiết kiệm chi phí vừa đáp ứng yêu cầu mới của khách hàng.
Theo ông Lập, nếu không xây dựng được thị trường tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh số xuất khẩu, đặc biệt là xúc tiến và kết nối thị trường. Tổ chức các sự kiện hội chợ ngành gỗ tạo cơ hội giao thương và để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các khách hàng của thị trường quốc tế.
Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặt mục tiêu đạt 14,2 tỷ USD xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 6% so với năm 2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã hoàn thành gần hơn 90% kế hoạch đề ra cho năm 2024.
Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho thấy, từ đầu năm đến hết tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đã đạt 13,2 tỷ USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Nhật Bản.
Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ Việt Nam (Vifores), giai đoạn 2010-2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ luôn có tốc độ tăng trưởng cao, mỗi năm tăng 25 - 45%. Đến năm 2023, xuất khẩu ngành hàng này đã bị suy giảm, nhưng sang năm 2024, ngành gỗ đã đón những tín hiệu tích cực và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng như thời kỳ hoàng kim. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đã phục hồi nhanh hơn dự báo và cao hơn nhiều ngành hàng khác.
Đạt kết quả trên do ngành gỗ Việt Nam đã và đang mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ...
Bên cạnh đó, tiêu dùng tại các thị trường lớn bắt đầu phục hồi, kỳ vọng cho ngành gỗ có cơ hội tăng tốc xuất khẩu trong quý IV và cả năm 2024./.