Xúc tiến thương mại nông sản Đắk Lắk: Cần thêm nhiều nguồn lực

Những năm qua, tiềm năng và giá trị kinh tế của nông sản Đắk Lắk đã được chứng minh. Việc xúc tiến thương mại là quan trọng để nông sản tỉnh nhà củng cố vị thế ở thị trường trong và xuất khẩu.
hoi-nghi-doanh-nghiep-va-dau-tu-giu-an-do-va-cac-tinh-tay-nguyen-1723014255.jpg
Hội nghị Doanh nghiệp và Đầu tư giữ Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên.

Trong tổng thể chuỗi giá trị nông sản, xúc tiến thương mại được xem là một trong những khâu quan trọng nhất và không thể thiếu. Hiện nay, ngoài 63 tỉnh thành trong cả nước thì nhiều sản phẩm nông sản của Đắk Lắk đã thâm nhập được vào 72 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong số đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản. Hằng năm, kim ngạch xuất khẩu của Đắk Lắk trên dưới 1,6 tỷ USD, chủ yếu đến từ giá trị của sản phẩm nông sản.

Chế biến và tiêu thụ được khẳng định là hai khâu then chốt làm gia tăng giá trị cho mọi loại nông sản. Chính vì vậy, ngoài vấn đề tập trung cho đầu tư chế biến sâu thì việc tăng cường công tác xúc tiến thương mại để tìm “lời giải” cho bài toán” đầu ra của nông sản hiện nay cũng cực kỳ quan trọng không kém.

Chính vì thế, trong thời gian qua, ngành Công Thương Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực trong công tác xúc tiến thương mại các loại nông sản của địa phương. Mục tiêu chính là hỗ trợ lưu thông, mở rộng thị trường nông sản và thúc đẩy tiêu thụ ở trong nước lẫn xuất khẩu. Ngoài nguồn kinh phí của địa phương, Sở còn tận dụng các nguồn lực từ kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia để tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại trên thị trường trong nước và các thị trường quốc tế.

Thông qua các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại, Đắk Lắk đã giới thiệu thành công nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương đến các thị trường trong nước và quốc tế. Không dừng ở đó, tỉnh tiếp tục đưa các đơn vị sản xuất đi kết nối giao thương với doanh nghiệp tiêu thụ và xây dựng hệ thống phân phối ở nhiều địa phương khác. Từ đó tạo ra sự kết nối giữa đơn vị sản xuất và người tiêu thụ, đưa nông sản của tỉnh đến với nhiều người tiêu dùng hơn.

doanh-nghiep-tinh-dak-lak-gioi-thieu-san-pham-nong-san-voi-doi-tac-1723014209.jpg
Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk giới thiệu sản phẩm nông sản với đối tác.

Với thị trường xuất khẩu, thông qua những đoàn giao thương ở các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… các doanh nghiệp của Đắk Lắk đã linh hoạt và nhanh nhạy đưa nông sản thâm nhập sâu vào nhiều hệ thống phân phối lớn của thị trường quốc tế. Một loạt các biên bản ghi nhớ hợp tác hay hợp đồng tiêu thụ đã được ký kết thành công trong thời gian qua. Đó là minh chứng rõ nét cho việc thúc đẩy mạnh mẽ tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh nhà.

Song song đó, việc củng cố, giữ vững những thị trường truyền thống cả trong và ngoài nước vẫn luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp Sở, Ban, Ngành thường xuyên theo sát. Hiện nay, không chỉ làm mới và kết hợp các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại kiểu truyền thống như hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối giao thương,… Sở đã tiến đến các hình thức mới, hiện đại như bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, livestream bán hàng trên các nền tảng số như TikTok, Facebook.

doanh-nghiep-dak-lak-tham-gia-gioi-thieu-san-pham-tai-hoi-nghi-ket-noi-giao-thuong-tp-da-nang-va-cac-tinh-tay-nguyen-nam-2022-1723014368.jpg
Doanh nghiệp Đắk Lắk tham gia giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị kết nối giao thương TP. Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên năm 2022.

Trong vai trò chức năng và nguồn lực hiện có, Sở Công thương đã cung cấp những thông tin chính thống để triển khai đến người sản xuất, giúp nông dân có thể nắm bắt tình hình và nhu cầu thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Nói một cách đơn giản là bán những gì thị trường cần chứ không phải bán những gì địa phương đang có. Đồng thời, nông sản của chúng ta vẫn phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường về các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, về xã hội, môi trường…

Trong tương lai, muốn công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản được thực hiện tốt hơn, tỉnh cũng như các bộ, ngành Trung ương cần tăng cường thêm nhiều nguồn lực mới. Có như vậy, Đắk Lắk mới có thể hướng tới mục tiêu bền vững đó là nâng tầm nông sản và chia sẻ lợi ích hài hòa giữa 3 kênh người sản xuất - phân phối - tiêu thụ nông sản./.

Kiến Giang