Thị trường Mỹ là điểm sáng xuất khẩu cá tra
Cụ thể, Mỹ thuộc Top đầu các thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Trong những tháng cuối năm, nhu cầu cá tra tại thị trường này tăng mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh nhập khẩu cá tra để phục vụ người tiêu dùng dịp năm mới.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ năm 2023 về đích với 271 triệu USD, giảm 50% so với năm 2022. Dù giảm mạnh nhưng Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ lớn thứ 2 về cá tra Việt Nam sau Trung Quốc và Hồng Kông.
Theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 10 tháng đầu năm 2023, Mỹ nhập khẩu hơn 1,4 tỷ USD cá thịt trắng (cá tuyết, cá minh thái, cá rô phi, cá tra …) từ thế giới, chủ yếu là các sản phẩm phile đông lạnh mã HS 0304.
Việt Nam chiếm 19% thị phần cá thịt trắng nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời là nguồn cung cá thịt trắng (chủ yếu là cá tra) thứ 2 của Mỹ và chỉ đứng sau Trung Quốc (chiếm 45%).
Năm 2023, sau khi sụt giảm liên tục trong 11 tháng đầu năm, đến tháng 12, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã tăng trưởng trở lại với kim ngạch đạt gần 20 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Đánh giá về những triển vọng của ngành cá tra, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, mặc dù năm 2024 còn nhiều khó khăn thách thức, song ngành cá tra vẫn đề ra mục tiêu sản lượng cá tra thương phẩm đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD… Để đáp ứng mục tiêu này, ngành thủy sản cần sẵn sàng các phương án để ứng phó tốt hơn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khó khăn, các quy định, rào cản kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu ngày càng khắt khe.
Theo đó, ngành thủy sản cần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo các tính trạng cá tra theo nhu cầu thị trường; bảo đảm cung ứng đủ con giống chất lượng cao cho nuôi thương phẩm, hạ giá thành sản xuất. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ cơ sở sản xuất giống, nhất là các cơ sở ương dưỡng giống cá tra và xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ quy định.
Các cơ quan quản lý tại địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, lưu thông, sử dụng kháng sinh nguyên liệu, sử dụng thuốc thú y, chế phẩm xử lý cải tạo môi trường để tạo ra con cá tra chất lượng phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.
Tiếp tục khơi thông thị trường cá tra truyền thống
Tại thị trường châu Âu (EU), nhu cầu về cá tra Việt Nam đã tăng trở lại. Việt Nam cũng kỳ vọng thị trường EU sẽ là điểm sáng xuất khẩu trong năm sau khi được đánh giá là có nền kinh tế ổn định hơn so với các thị trường trọng điểm khác.
Là một trong những thị trường truyền thống nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc là thị trường được kì vọng phát triển con cá tra trong năm 2024. Những năm gần đây, thị trường này luôn nằm trong Top 3 nhà nhập khẩu cá tra nhiều nhất, sau Mỹ và Nhật Bản.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản cho biết, trong thời điểm “nóng” sụt giảm các đơn hàng của Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu cá tra của Trung Quốc và Hong Kong ổn định, tăng trưởng dương trong giai đoạn tháng 6 đến tháng 11/2023. Nhìn chung tổng thể cả năm không bị ảnh hưởng nhiều. Đây là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong các thị trường truyền thống.
Mặc dù đối diện với nhiều sự cạnh tranh khác nhưng con cá tra Việt Nam vẫn là sự lựa chọn ổn định khi nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Các chuyên gia ngành cá tra đánh giá, giai đoạn cuối năm 2023 Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam để chuẩn bị cho dịp lễ cuối năm. Thêm vào đó, dịch COVID-19 đã được khống chế, kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhưng không dành nhiều ngân sách cho sản xuất thủy sản nội địa vì đây là ngành hàng không cho lợi nhuận cao. Chính vì vậy, con cá tra Việt Nam có thêm cơ hội với thị trường này, và Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu. Cũng theo thông tin từ VASEP, Trung Quốc hiện nay đang sẵn sàng mở rộng nhập khẩu các mặt hàng thuỷ sản Việt Nam; trong đó, có con cá tra.
Đặc biệt, con cá tra hiện đang có lợi thế tại các thị trường khác như châu Âu, Algeria… Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã phối hợp với hệ thống siêu thị Carrefour tại Algeria tổ chức hoạt động giới thiệu và quảng bá các sản phẩm của Việt Nam là cà phê và phi lê cá tra-basa tại đại siêu thị Carrefour thuộc Trung tâm thương mại City Center ở Thủ đô Algiers.
Theo VASEP, mặc dù có bờ biển dài hơn 1.000 km2 và bắt đầu nuôi cá biển song Algeria mỗi năm vẫn phải nhập khẩu khoảng 30.000 tấn thủy hải sản các loại, chủ yếu là cá phi lê với kim ngạch khoảng 100 triệu USD/năm. Cá tra-basa phi lê đông lạnh của Việt Nam đã thâm nhập được vào thị trường này với giá bán tại các cửa hàng, chợ và siêu thị dao động từ 7,5-13,8 USD/kg (khoảng 180.000- 330.000 đồng/kg). Các khách hàng địa phương sau khi dùng thử sản phẩm Việt Nam đều có cảm nhận tốt và đánh giá cao hương vị cũng như chất lượng sản phẩm; trong đó, có sản phẩm cá tra Việt Nam. Đây được xem như một tín hiệu tốt cho con cá tra trong năm 2024./.