Tăng cường chất lượng cá tra giống hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành hàng

Trong những năm qua, dù đạt được một số thành tích, nhưng ngành hàng cá tra, đặc biệt sản xuất, ương dưỡng cá giống còn những hạn chế cần khắc phục.
che-bien-ca-tra-xuat-khau-5969jpg-1728790197.webp
Xuất khẩu cá tra 9 tháng đầu năm nay được cho là khá khả quan so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh minh họa)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, với sản phẩm được ưa chuộng tại nhiều thị trường quốc tế, hương vị thơm ngon, giá cả cạnh tranh.

Xuất khẩu cá tra 9 tháng đầu năm nay được cho là khá khả quan so với cùng kỳ năm ngoái, khi cả kim ngạch xuất khẩu liên tục ghi nhận tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, số liệu Hải quan cho thấy nửa đầu tháng 9/2024, một số thị trường lớn chứng kiến sụt giảm nhẹ như Trung Quốc & Hồng Kông giảm 19%, trong đó riêng Hồng Kông giảm 17%, Thái Lan giảm 23%. Lũy kế xuất khẩu cá tra tính đến ngày 15/9/2024 sang các thị trường nhìn chung vẫn ghi nhận tăng trưởng do kim ngạch xuất khẩu các tháng trước đó đạt kết quả khá tích cực. Cụ thể: Tính đến ngày 15/9/2024, XK cá tra sang Mỹ đạt 240 triệu USD, tăng 23%; Brazil đạt 81 triệu USD, tăng 26%; Thái Lan đạt 43 triệu USD, tăng 9%.

Về diện tích nuôi thả, tại Hội nghị “Bàn giải pháp phát triển giống cá tra ứng phó biến đổi khí hậu, rào cản thương mại quốc tế” mới đây, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo số liệu trên phần mềm dulieucatra.gov.vn, tính đến ngày 15/9/2024, diện tích cá tra thả nuôi trong kỳ báo cáo ước đạt 4.241ha (bằng 98% so với cùng kỳ năm 2023). Sản lượng cá tra ước đạt 1.241.000 tấn (bằng 103% so với cùng kỳ năm 2023).

z5918892583966-969e7f1473b62cc08e5e889e7e970599-1728790197.jpg
Hội nghị “Bàn giải pháp phát triển giống cá tra ứng phó biến đổi khí hậu, rào cản thương mại quốc tế”. (Ảnh Cổng thông tin Cần Thơ"

Hiện, cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó có 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng cá giống bố mẹ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất. Có 76 cơ sở sản xuất giống thương phẩm, 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra giống (từ cá bột lên cá giống). 

Có 97/1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra giống được cấp Giấy chứng nhận, hết tháng 9.2024 thực hiện kiểm tra duy trì được 81/97 cơ sở. Có 61/76 cơ sở sản xuất cá tra bột, 97/1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.

Tuy nhiên, theo Cục thủy sản, năm 2023 và 9 tháng năm nay, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn như giá nhiên liệu, giá vật tư, thức ăn tăng. Suy thoái kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm tại nhiều nước xuất khẩu, dẫn đến giá bán cá tra nguyên liệu giảm, gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm.

Do đó, để ngành cá tra có thể vượt qua thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu năm 2024, kế hoạch 2025, ngành hàng cá tra sẽ phải nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ giải pháp một cách toàn diện. Theo Cục Thủy sản, để cá tra đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, khâu đầu tiên yêu cầu phải có nguồn giống sạch bệnh, đạt tiêu chuẩn chất lượng.

ca-tra-3-1728790197.jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị "Bàn giải pháp phát triển giống cá tra ứng phó với biến đổi khí hậu, rào cản thương mại quốc tế". (Ảnh baolaodong)

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành hàng cá tra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để có con cá tra da trơn hoàn hảo đạt chất lượng sạch bệnh từ ao nuôi đến xuất khẩu, đề nghị các địa phương quản lý chặt các cơ sở sản xuất giống cá tra. Các cơ sở sản xuất giống cá tra trên địa bàn nào đủ điều kiện cơ quan cấp giấy chứng nhận, nếu cơ sở nào không đủ điều kiện thì tuyệt đối không cấp giấy phép và có biện pháp xử lý nghiêm.

Vì có con giống tốt sẽ quyết định năng suất và chất lượng. Bên cạnh đó khuyến cáo giảm sử dụng chất cấm và kháng sinh trong ao nuôi mà tăng cường phòng bệnh trên đàn cá tra bằng việc tăng cường tiêm phòng vaccine nhằm giảm dịch bệnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng một cách bài bản cho các vùng ương nuôi cá giống và cả nuôi thương phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện tốt Đề án cá tra 3 cấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải đồng bộ, hiệu quả nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao ổn định cung-cầu về sản xuất giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi. Từ đó, góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Để phát triển giống cá tra ứng phó với biến đổi khí hậu, rào cản thương mại quốc tế, các đại biểu tại hội nghị cho rằng, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thuỷ sản; hướng dẫn tất cả cơ sở sản xuất giống thực hiện công bố hợp quy đối với giống cá tra theo quy định; đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các vùng sản xuất cá tra giống; xây dựng và hoàn thiện hệ thống giống cá tra 03 cấp./.

Đông Nghi