Xuất khẩu cà phê lập kỷ lục và những thách thức đòi hỏi ngành cà phê duy trì tăng trưởng bền vững

Năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD trong một năm. Cà phê cũng là sản phẩm nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo các chuyên gia trong ngành, năm 2025, thị trường cà phê thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn nhiều biến động, đòi hỏi ngành cà phê sớm điều chỉnh để đi đúng quỹ đạo, duy trì tăng trưởng một cách bền vững.
xuat-khau-ca-phe-4-1737256243.jpg
Năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD trong một năm.(Ảnh minh họa)

Năm 2024, giá cà phê thế giới liên tục thiết lập kỷ lục mới

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết xuất khẩu cà phê của Việt Nam quý IV/2024 ước đạt 208,4 nghìn tấn, trị giá 1,16 tỷ USD, giảm 43,7% về lượng, nhưng tăng 3,9% về giá trị so với quý IV/2023.

Tính chung cả năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,32 triệu tấn, trị giá 5,48 tỷ USD, giảm 18,8% về lượng, nhưng tăng 29,1% về giá trị so với năm 2023. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD trong một năm.

Giá cà phê xuất khẩu tăng cao là nguyên nhân chính giúp cho cà phê Việt Nam đạt cột mốc quan trọng này về xuất khẩu. Năm 2024, giá cà phê thế giới liên tục thiết lập kỷ lục mới, chủ yếu do những lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu lớn như Việt Nam và Brazil do thời tiết không thuận lợi. Cùng với đó, việc các quỹ đầu cơ đẩy mạnh mua vào, căng thẳng ở Biển Đỏ gia tăng khiến cước phí vận tải biển tăng cao cũng là những yếu tố khiến giá cà phê tăng mạnh. Ngoài ra, giá cà phê còn được hỗ trợ bởi các quốc gia tăng tích trữ trước mối lo ngại châu Âu thực thi EUDR sau ngày 30/12/2024.

Tuy nhiên 2024 cũng là một năm đặc biệt với ngành hàng cà phê và lần đầu tiên, giá cà phê Việt Nam cao nhất thế giới. Giá cà phê Robusta xuất khẩu cao hơn giá cà phê Arabica và đây là điều chưa từng xảy ra.

Trong tháng 12/2024, giá bình quân cà phê xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 5.450 USD/tấn, giảm nhẹ 2,3% so với tháng 11/2024, tuy nhiên so với tháng 12/2023 tăng mạnh 88,8%. Tính chung cả năm 2024, giá bình quân cà phê xuất khẩu ước đạt 4.158 USD/tấn, tăng 59,1% so với năm 2023.

xuat-khau-ca-phe-2-1737256227.jpg
Giá cà phê xuất khẩu tăng cao là nguyên nhân chính giúp cho cà phê Việt Nam đạt cột mốc quan trọng về xuất khẩu.(Ảnh minh họa)

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết, năm 2024, cà phê là sản phẩm nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Còn theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), năm 2024 là một năm chưa từng có trong lịch sử cà phê Việt Nam cũng như cà phê thế giới, nhất là về giá cà phê. Giá cà phê Việt Nam lên ở mức cao nhất thế giới và giá cà phê Robusta có những thời điểm cao hơn cả giá cà phê Arabica. Còn trên sàn giao dịch London, lần đầu tiên trong lịch sử, giá cà phê Robusta vượt mốc 5.000 USD/tấn.

Dự báo năm 2025, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khi nguồn cung tăng và nhu cầu tiêu dùng của các nước trên thế giới gia tăng. Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu dự kiến phục hồi trong niên vụ 2024 - 2025, chủ yếu nhờ sản lượng tăng lên ở Việt Nam và Indonesia. Trong khi đó, với mức tiêu thụ đang tăng, lượng cà phê tồn kho toàn cầu vào cuối năm 2024 sẽ giảm hơn nữa, xuống còn 20,9 triệu bao.

Xuất khẩu cà phê trên toàn cầu năm 2025 dự kiến chỉ tăng ở mức khiêm tốn khi xuất khẩu tăng lên từ Việt Nam và Indonesia bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu dự kiến của Brazil. Cụ thể, xuất khẩu cà phê của Việt Nam dự kiến tăng 1,8 triệu bao trong năm 2025, lên 24,4 triệu bao nhờ nguồn cung cải thiện.

Trong khi đó, tiêu thụ cà phê toàn cầu trong năm 2025 dự kiến sẽ tăng thêm 5,1 triệu bao, đạt mức 168,1 triệu bao. Phần lớn mức tăng chủ yếu từ Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Nâng cao chất lượng và định vị thương hiệu cà phê, duy trì tăng trưởng bền vững

Theo các chuyên gia trong ngành, năm 2025, thị trường cà phê thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn nhiều biến động, đòi hỏi ngành cà phê sớm điều chỉnh để đi đúng quỹ đạo, duy trì tăng trưởng một cách bền vững.

Bởi trong năm qua, dù thắng lớn về kim ngạch xuất khẩu và người trồng cà phê thu lợi cao nhưng đây cũng là năm chứng kiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến cà phê lao đao từ cuộc "rượt đuổi" về giá thu mua, xuất khẩu.

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng cà phê nguyên liệu khiến việc thu mua cà phê trong nước ngày càng khó khăn và rủi ro. Do đó, dù luôn ưu tiên thu mua, tiêu thụ cà phê Việt Nam nhưng đã có doanh nghiệp phải xem xét việc nhập khẩu cà phê để đảm bảo hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến được xuyên suốt. Điều này đồng nghĩa thị phần cà phê Việt Nam bị thu hẹp, hệ luỵ sẽ kéo dài đến những năm sau.

Mặt khác, thị trường thế giới vẫn kỳ vọng sản lượng cà phê niên vụ 2025 - 2026 của Brazil có thể phục hồi khi lượng mưa tại các vùng trồng cà phê chính sẽ cải thiện. Đồng thời, nhu cầu nhập khẩu cà phê của các nước châu Âu cũng sẽ tạm lắng xuống khi quy định EUDR được hoãn thời điểm bắt đầu thi hành sang cuối năm 2025.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), năm 2024 là một năm chưa từng có trong lịch sử cà phê Việt Nam cũng như cà phê thế giới, nhất là về giá cà phê. Giá cà phê Việt Nam lên ở mức cao nhất thế giới và giá cà phê Robusta có những thời điểm cao hơn cả giá cà phê Arabica.

Còn trên sàn giao dịch London, lần đầu tiên trong lịch sử, giá cà phê Robusta vượt mốc 5.000 USD/tấn. Tuy nhiên, sản xuất cà phê tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, ảnh hưởng đến cả năng suất, chất lượng và sự bền vững của ngành.

Biến đổi khí hậu với thời tiết cực đoan, các hiện tượng thời tiết bất thường như hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của cây cà phê. Sự thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa làm thay đổi điều kiện sinh thái, khiến nhiều vùng trồng cà phê không còn phù hợp…

Cùng với đó cây cà phê già cỗi khiến năng suất thấp, chất lượng hạt kém, tính kháng bệnh cũng đang kém đi gây thiệt hại lớn về sản lượng.

Cây cà phê cần đầu tư tái canh nhưng việc tái canh đòi hỏi vốn lớn và thời gian dài, gây khó khăn cho nông dân. Trong khi đó, cạnh tranh gay gắt từ các nước sản xuất cà phê khác khiến giá cà phê trên thị trường thường xuyên biến động, gây khó khăn cho nông dân.

xuat-khau-ca-phe-3-1737256324.jpg
Năm 2025, thị trường cà phê thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn nhiều biến động, đòi hỏi ngành cà phê sớm điều chỉnh để đi đúng quỹ đạo, duy trì tăng trưởng một cách bền vững. (Ảnh minh họa)

Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đã đưa ra một định hướng rõ ràng về tái canh cây cà phê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của ngành cà phê Việt Nam. Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 không chỉ thực hiện ở 5 tỉnh Tây Nguyên mà còn được mở rộng ở các tỉnh cà phê khác như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Mục tiêu đặt ra là nâng cao năng suất bình quân của vườn cà phê sau tái canh lên 3,5 tấn nhân/ha. Tái canh giúp cây cà phê phát triển khỏe mạnh, cho ra hạt cà phê chất lượng cao hơn. Đồng thời, tái canh giúp cây cà phê thích nghi tốt hơn với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Thực hiện đề án này, nhiều tỉnh đã thu được hiệu quả rõ rệt, điển hình như tại Quảng Trị, đến nay đã thực hiện trồng mới và tái canh gần 1,1 nghìn ha, đạt 57% kế hoạch. Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích tái canh đạt trên 1,9 nghìn ha.

Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết đánh giá ban đầu, hầu hết các vườn cà phê tái canh sinh trưởng và phát triển tốt, nhiều vườn đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 15 - 17 tấn quả tươi/ha, đạt mục tiêu đề án đưa ra, cao hơn các vườn cà phê già cỗi từ 1,2 - 1,5 lần.

Chuyên gia nhận định, người tiêu dùng thế giới ngày càng ưu tiên sử dụng cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Nếu chỉ bám vào cung - cầu nguyên liệu thì giá trị cà phê trong toàn chuỗi cũng không thay đổi nhiều. Do đó, Việt Nam phải tập trung cải thiện chất lượng và tạo ra nhiều sản phẩm có bản sắc, giá trị cao hơn là cà phê nguyên liệu. Đây không chỉ là một gợi ý về cơ hội, mà là một xu hướng cần được bắt nhịp để gia tăng giá trị và xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam./.

Bình Nguyên