Xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng cà phê

Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Gia Lai không mở rộng diện tích trồng cà phê, phát triển cà phê không lấn chiếm, gây ảnh hưởng đến đất rừng. Đặc biệt, Gia Lai sẽ tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cà phê thông qua việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu.

Nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có khí hậu đa dạng và diện tích lớn, thích hợp phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Đây cũng là tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ 4 trong cả nước, diện tích bằng 14%, sản lượng bằng 14,6% cả nước. Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của Gia Lai, được trồng ở 10/17 địa phương trong tỉnh. Hiện, diện tích cà phê toàn tỉnh Gia Lai đạt gần 99.000ha, năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha, tổng sản lượng cà phê đạt hơn 267.000 tấn.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 04 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê và 99 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến cà phê (trong đó có 47 cơ sở chế biến cà phê bột, hạt rang và hòa tan). Sản phẩm cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chính với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 490 triệu USD, chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản hàng hóa của tỉnh Gia Lai.

Trong những năm qua, sản xuất cà phê đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp, đồng thời là sinh kế của nhiều hộ gia đình ở khu vực nông thôn, trong đó có một bộ phận không nhỏ là bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Tuy nhiên, tình hình sản xuất cà phê của các địa phương trong tỉnh còn nhiều khó khăn, sản xuất phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế để nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê; qua đó nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê Gia Lai ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

ca-phe-1683188131.jpg
Tỉnh Gia Lai duy trì diện tích trồng cà phê hiện có, tập trung nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu. Ảnh: LN.

Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã trồng tái canh 12.587,5 ha, đạt 92,5% kế hoạch Năm 2021, các địa phương trong tỉnh đã trồng tái canh 1.570,7 ha. Nhìn chung, diện tích cà phê tái canh trong những năm qua được quản lý tốt về kỹ thuật thâm canh và giống. Với nguồn giống cung ứng chính phục vụ cho người dân trong tỉnh trồng tái canh được sản xuất tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh Gia Lai, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây Hồ tiêu Gia Lai, cho năng suất cao, chất lượng tốt, cỡ hạt lớn, chịu hạn tốt và kháng cao với bệnh gỉ sắt, điển hình là cây giống cà phê TR4, TR5, TR6, TR9, TRS1…

Với mục tiêu trong Kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê của tỉnh Gia Lai, giai đoạn năm 2022-2025, địa phương sẽ trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng gần 9.500ha cà phê. Không mở rộng diện tích để tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cà phê thông qua việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đang là mục tiêu mà tỉnh Gia Lai hướng đến đối với loại cây trồng này. 

Ngoài ra, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025, Gia Lai không mở rộng diện tích, duy trì ổn định đến năm 2025 duy trì ổn định khoảng 95.000 - 97.000 ha cà phê, sản lượng đạt 264.550 tấn/năm; giai đoạn 2021-2025 đẩy mạnh trồng tái canh và ghép cải tạo các vườn cà phê già cỗi trên 8.500 ha. Tập trung phát triển tại các huyện: Chư Păh, Ia Grai, Đak Đoa, Mang Yang, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Pưh, Kbang và Thành phố Pleiku.

Sử dụng 100% giống cà phê có năng suất, chất lượng cao; trồng xen cây cây ăn quả, cây nông nghiệp ngắn ngày vào vườn cà phê tái canh để nâng cao thu nhập trên diện tích. Tăng cường đầu tư chế biến sâu để nâng cao chất lượng, giá trị cho cà phê Gia Lai. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cà phê, đặc biệt là biện pháp tưới tiết kiệm nước.

Triển khai hiệu quả dự án phát triển bền vững chuỗi giá trị nông nghiệp (vốn vay WB) trên cây cà phê để hình thành vùng sản xuất tập trung, kết nối liên vùng gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao, bền vững. Xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Gia Lai, mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 50% diện tích cà phê được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng.

Theo dự báo của UBND tỉnh Gia Lai, trong thời gian tới, tình hình xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục tăng nhờ những chính sách mở cửa của thị trường, tác động của FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam. Những hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội để cà phê Gia Lai có thể thâm nhập và mở rộng thị trường mới. Do vậy, để nâng tầm cà phê Gia Lai trên thị trường quốc tế thì việc phát triển cà phê đặc sản để nâng cao giá trị xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các doanh nghiệp, nông dân trồng và sản xuất cà phê trong tỉnh là một yêu cầu cấp thiết.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, diện tích cà phê đặc sản của tỉnh khoảng hơn 200 ha, sản lượng 62 tấn. Sản lượng cà phê đặc sản không thể thu hoạch 100% diện tích vì chế biến loại cà phê này phải chọn lựa từng hạt chín đảm bảo chất lượng, nên chỉ chiếm khoảng 3-12% tổng sản lượng thu  hoạch trên toàn diện tích trồng.  Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 phát triển diện tích cà phê vối đặc sản khoảng1.200 ha, sản lượng khoảng 620 tấn.

Theo đề án phát triển cà phê đặc sản ở Gia Lai, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hình thành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển cà phê đặc sản, xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam. Ban hành sổ tay hướng dẫn quy trình sản xuất cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2025, phát triển diện tích cà phê vối đặc sản khoảng 1.170ha, bằng 1,2% diện tích cà phê toàn tỉnh. Đến giai đoạn 2026 - 2030, phát triển diện tích cà phê vối đặc sản khoảng 2.340ha, bằng 2,4% diện tích cà phê toàn tỉnh./.