Tập trung nguồn lực để Như Thanh (Thanh Hóa) cán đích nông thôn mới năm 2024

Như Thanh là một trong những huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên với sự đoàn kết, quyết tâm của cán bộ và nhân dân, toàn huyện sẽ từng bước gỡ khó để “cán đích” trong năm 2024.
1-1706693026.jpg
Huyện Như Thanh đang nỗ lực gỡ khó để về đích nông thôn mới trong năm 2024 (ảnh Hồ Nghinh)

Như Thanh là huyện miền núi có 14 đơn vị hành chính. Trong đó có 9 xã đặc biệt khó khăn. Để thực triển khai hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM), lãnh đạo huyện Như Thanh đã cụ thể hóa Chủ trương, Nghị quyết của Trung ương, Bộ chính trị phù hợp với thực tiễn địa phương. Qua đó tận dụng yếu tố ngoại lực, phát huy nội lực, thúc đẩy xây dựng phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển.

Sau 13 năm triển khai xây dựng Nông thôn mới, toàn huyện có 9 xã và 71 thôn đạt chuẩn Nông thôn mới, 3 xã nông thôn mới nâng cao,17 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân toàn huyện đạt 16,62 tiêu chí/xã. Huyện Như Thanh đang phấn đấu về đích huyện Nông thôn mới vào năm 2024.

Theo đó, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Như Thanh đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Những vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây lương thực theo mô hình nông nghiệp sạch ngày càng xuất hiện nhiều.

2-1706693210.jpg
Trong những năm qua, huyện Như Thanh đang thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đem lại năng xuất cao

Ngoài ra, huyện cũng tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, như: công nghệ tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển bán tự động, sản xuất theo quy trình VietGAP.

Bên cạnh đó, huyện đã tích cực vận động, hướng dẫn người dân ở các địa phương thực hiện tích tụ, tập trung đất đai; hướng tới hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của huyện, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính khi tham gia đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện đạt 883,41 ha, trong đó diện tích tập trung (từ 500m2 trở lên) là 165 ha; diện tích sử dụng giống năng suất, chất lượng cao là 415 ha; diện tích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất 30 ha, diện tích thâm canh 165 ha.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sau 5 năm, huyện Như Thanh đã có 10 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP, có tiềm lực phát triển, tạo dựng được thương hiệu riêng. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung xây dựng thêm các sản phẩm có tiềm năng, là sản phẩm mang nét đặc trưng của vùng miền.

Đối với các xã đặc biệt khó khăn của huyện là Thanh Tân, Thanh Kỳ và Xuân Thái. Nơi đây, dân cư sinh sống chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, tỷ hệ hộ nghèo cao, gây khó khăn trong phong trào XDNTM.

Để tháo gỡ “nút thắt” nêu trên, UBND huyện Như Thanh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương hỗ trợ XDNTM. Kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các xã, thôn, bản, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế- xã hội khu vực nông thôn. Đồng thời, tăng cường thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả, bền vững chương trình trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, huyện Như Thanh đang nỗ lực đa dạng hóa việc huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là huy động nguồn lực trong Nhân dân. Qua đó lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, dự án đang thực hiện, sớm đưa huyện cán đích nông thôn mới theo đúng kế hoạch./.

Hà Khải