Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), năm 2022, tổng đàn lợn cả nước tăng khoảng 12,4%; tổng đàn bò tăng khoảng 3,5%; tổng đàn gia cầm tăng 5,4%, cùng với trên 13 tỷ quả trứng và hơn 1 triệu tấn sữa. Dự báo, năm 2023 ngành Chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi cung cấp cho thị trường ước đạt hơn 7,2 triệu tấn và khoảng 19 tỷ quả trứng, 1,25 triệu tấn sữa... Riêng năm 2022, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam xuất khẩu đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch trên 400 triệu USD.
Tuy vậy, ngành chăn nuôi và các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh (cúm gia cầm, tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục…); thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá cả không ổn định. Thực tế này đang khiến ngành chăn nuôi tìm giải pháp xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, không chỉ kiểm soát dịch bệnh, mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Đối với công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, tạo nền tảng cho việc xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, Cục Thú y cho biết: 6 tháng đầu năm 2023, các loại bệnh trên gia súc, gia cầm đều giảm. Hiện tại, cả nước không có ổ dịch lở mồm long móng nào, tất cả những ổ dịch cúm gia cầm đều được tiêu hủy và không có ổ dịch nào đang hiện hành. Thậm chí, đối với bệnh viêm da nổi cục, chúng ta cũng đã nghiên cứu thành công vaccine.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành đã phối hợp cùng các địa phương, doanh nghiệp xây dựng được 1 vùng và 235 cơ sở an toàn dịch bệnh. Cụ thể: 1 vùng cấp huyện và 93 cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm; 130 cơ sở an toàn dịch bệnh trên lợn; 12 cơ sở trên gia súc khác. Tính chung đến nay, cả nước có 2.458 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại 57 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh; trong đó, có 1 vùng cấp tỉnh, 38 vùng cấp huyện, 228 vùng cấp xã và gần 2.200 cơ sở. Phân loại theo loài có 1.106 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm; 1.335 cơ sở, vùng trên gia súc và 47 vùng bệnh dại.
Thời gian qua, hướng tới mục tiêu phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu các địa phương khu vực Đông Nam Bộ đang triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng, mở rộng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Tỉnh Bình Dương hiện có tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh có khoảng 974 nghìn con, trong đó chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 60%; tổng đàn gia cầm có khoảng 13,6 triệu con, trong đó chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 70%. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm; không xảy ra bệnh dại trên động vật.
UBND tỉnh duy trì chính sách tiêm phòng miễn phí vắc xin Cúm gia cầm, vắc xin Lở mồm long móng, Dịch tả trên heo và hóa chất tiêu độc khử trùng cho các cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ. Chấp thuận chủ trương cho tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh trong điều kiện chưa có quyết định công bố dịch bằng nguồn ngân sách địa phương. Kết quả xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, tính đến nay tỉnh Bình Dương đã được Cục Thú y công nhận tổng cộng 13 vùng an toàn dịch bệnh động vật tại các địa phương được quy hoạch chăn nuôi tập trung như: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên. Trong đó gồm 5 vùng an toàn dịch bệnh động vật trên gia cầm, 4 vùng an toàn dịch bệnh động vật trên gia súc, 4 vùng an toàn dịch bệnh động vật trên chó nuôi.
Hiện có tổng cộng 173 cơ sở chăn nuôi được Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. Trong đó có 52 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên gia súc (chiếm tỷ lệ khoảng 20% trang trại chăn nuôi công nghệ cao), 121 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên gia cầm (chiếm tỷ lệ khoảng 63% trang trại chăn nuôi công nghệ cao).
Tại tỉnh Đồng Nai, ngành chăn nuôi của địa phương này vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp với trên 61,8%. Hiện tổng đàn lợn của tỉnh đạt trên 2 triệu con; tổng đàn gà hơn 23,4 triệu con. Chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn. Theo Sở NN&PTNT Đồng Nai, chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng trang trại gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín có nhiều chuyển biến tích cực là những điều kiện thuận lợi để xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 7 vùng được công nhận vùng an toàn dịch bệnh với bệnh cúm gia cầm và Newcastle gồm: Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Định Quán, Cẩm Mỹ, Long Thành và TP. Long Khánh (2 vùng Thống Nhất và Trảng Bom hết hiệu lực vào tháng 5/2022). Bên cạnh đó, 11 xã được chứng nhận an toàn dịch bệnh với bệnh cúm gia cầm và Newcastle; 655 trang trại chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh (trong đó có 403 trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn hiệu lực gồm 167 trại gà, 31 trại vịt, 5 trại bò và 200 trại lợn),… Công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đã hỗ trợ cho công tác kiểm soát dịch bệnh thông qua việc giám sát dịch bệnh, củng cố mạng lưới thú y, đồng thời hỗ trợ các chuỗi cung ứng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thịt, trứng gà trên địa bàn tỉnh.
Tại tỉnh Tây Ninh, công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật được xác định là nội dung rất quan trọng trong công tác triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi. Hiện nay, cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, đảm bảo an toàn sinh học theo phương thức bán công nghiệp và công nghiệp, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Sau 02 năm thực hiện Kế hoạch Chiến lược phát triển chăn nuôi, đến nay toàn tỉnh Tây Ninh đã có 01 huyện (huyện Dương Minh Châu) được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện; huyện Gò Dầu có 06 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã đối với bệnh Cúm gia cầm và Newcastle trên gà; huyện Bến Cầu có 09 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã đối với bệnh Lở mồm long móng trên bò; có 64 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (trong đó 47 cơ sở chăn nuôi gà, 15 cơ sở chăn nuôi lợn, 02 cơ sở chăn nuôi bò).
Để thúc đẩy xuất khẩu thịt và sản phẩm chăn nuôi, Chính phủ giao cho ngành chăn nuôi đến năm 2030 phải xây dựng được ít nhất 8 vùng chăn nuôi đạt chuẩn an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới…Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 – 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, có 6 vùng của tỉnh Bình Phước và 1 vùng của tỉnh Tây Ninh, 12 vùng khác của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam; 4 vùng của tỉnh Bình Phước và 1 vùng của tỉnh Tây Ninh đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH).
Đến năm 2030, các vùng đã đạt an toàn dịch bệnh tiếp tục được duy trì; các huyện còn lại của các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác thuộc vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên được xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam; có 8 vùng khác của tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh được xây dựng theo tiêu chuẩn của WOAH.
Ngành chăn nuôi với sản lượng và chất lượng liên tục tăng trưởng hàng năm tạo nền tảng tốt để gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu muốn tiếp tục duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu thì các doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, các sản phẩm phải được chăn nuôi, chế biến sâu trong vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH).
Các tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh được ví như "visa" để xuất khẩu các sản phẩm của ngành chăn nuôi. Tại Việt Nam, vùng an toàn dịch bệnh không phải bây giờ mới xây dựng mà đã được thực hiện trong nhiều năm qua và đã có kết quả tích cực trong việc giúp các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu. Đến nay, thịt lợn đã xuất đi các nước như Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc)...; thịt gà đã xuất đi Nhật Bản.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã xây dựng, ban hành các tiêu chí vùng an toàn dịch bệnh đầu tiên tập trung vào vùng Đông Nam Bộ bởi vùng này có quy mô chăn nuôi gia cầm, lợn rất lớn chăn nuôi nước ta ở quy mô nhỏ lẻ, chăn nuôi theo hệ thống tự nhiên, chuồng hở còn nhiều nên việc quản lý an toàn sinh học, quản lý an toàn dịch bệnh vẫn còn nhiều vấn đề cần xử lý. Thêm vào đó, tỷ lệ tiêm vaccine phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi bình quân đến nay chưa cao, tỷ lệ này phải đạt trên 80% thì mới có thể đáp ứng miễn dịch quần thể. Việc thực hiện tốt được các biện pháp an toàn sinh học như khoảng cách của trạm; người ra người vào; giải quyết chất thải; xử lý chuồng, xác chết… phải làm rất chặt chẽ. Đây cũng là khó khăn, thách thức trong việc xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh.