Xanh trong xây dựng: Thách thức và cơ hội trên hành trình Net Zero

Bước vào thế kỷ 21, khi biến đổi khí hậu là mối đe dọa toàn cầu, ngành xây dựng - ngành sản xuất trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường, đang đứng trước ngã rẽ lịch sử. "Xanh trong xây dựng" không chỉ là một khẩu hiệu, mà là một hành trình chinh phục mục tiêu Net Zero vào năm 2050, gánh vác trọng trách kiến tạo một Việt Nam xanh, bền vững.
vat-lieu-xanh-1728373014.png
Xanh trong xây dựng là xu hướng tất yếu cho bài toán phát triển bền vững. Ảnh minh họa.

Trái đất đang nóng lên, băng tan, mực nước biển dâng cao, thiên tai ngày càng khắc nghiệt... đó là những minh chứng rõ ràng cho sự biến đổi khí hậu, vấn đề nóng bỏng toàn cầu. Ngành xây dựng với vai trò là một trong những ngành sản xuất trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường, cần phải thay đổi để thích nghi và chung tay bảo vệ hành tinh.

"Xanh trong xây dựng" là thuật ngữ chỉ các phương pháp, công nghệ và vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và con người. Đây là xu hướng tất yếu, là lời giải cho bài toán phát triển bền vững, đồng thời là động lực thúc đẩy ngành xây dựng Việt Nam vươn lên vị thế mới trên trường quốc tế.

Ngày 7/10, Báo Giao thông đã tổ chức tọa đàm "Xanh trong xây dựng" với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, mở ra những thảo luận sôi nổi về thách thức và cơ hội trên hành trình này. Tại tọa đàm, các chuyên gia nhận định, trào lưu xây dựng xanh trên thế giới bắt đầu từ 1995 và phát triển dần. Việt Nam bắt đầu khoảng năm 2010 và một số công trình đầu tiên áp dụng tiêu chí xanh có chứng nhận quốc tế xuất hiện vào năm 2014.

Tuy nhiên, mặc dù những công trình được chứng nhận xanh mang lại hiệu quả cao về lâu dài, song chi phí đầu vào cao hơn cách sản xuất truyền thống như xi măng xanh, gạch không nung, điện nước có thể tái sử dụng... đã khiến nhiều chủ đầu tư vẫn chọn vật liệu truyền thống.

tao-dam-tphcm1-1728285099239136301595-1728373066.jpg
Tọa đàm với chủ đề "Xanh trong xây dựng" thảo luận về những thách thức và giải pháp trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững cho ngành xây dựng Việt Nam. Ảnh: baogiaothong.vn.

Xu hướng xanh là chuyển đổi tất yếu, nhưng vẫn còn nhiều trở ngại

Theo TS Nguyễn Hữu Duy Quốc, Thành viên HĐQT Tổng Công ty Xây dựng số 1, trào lưu xây dựng xanh trên thế giới bắt đầu từ năm 1995 và phát triển dần. Việt Nam bắt đầu khoảng năm 2010, một số công trình đầu tiên áp dụng tiêu chí xanh có chứng nhận quốc tế xuất hiện vào năm 2014.

Tuy nhiên, những công trình được chứng nhận xanh, chi phí đầu vào cao hơn cách sản xuất truyền thống như xi măng xanh, gạch không nung, điện nước tái sử dụng... Nhưng nếu đánh giá chi phí vòng đời của công trình thì chi phí lại không cao.

“Chúng ta hay đánh giá trên chi phí đầu vào nên vẫn chọn các vật liệu truyền thống. Điều này sẽ thay đổi khi có áp lực tiêu chí từ quốc tế”, TS Nguyễn Hữu Duy Quốc nhận định.

Ông cũng đưa ra cảnh báo, ngành sản xuất Việt Nam có thể mất lợi thế cạnh tranh nếu các doanh nghiệp không chú trọng giảm phát thải carbon mạnh mẽ.

Công nghệ xanh: Còn nhiều tiềm năng, cần đẩy mạnh ứng dụng

Ông Phạm Thanh Tú, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bê tông Đường thủy cho biết, đa số công trình kiến trúc, giao thông hiện nay đều sử dụng vật liệu ít tác động đến môi trường. “Đây có thể nói là xu hướng xanh trong xây dựng đang được chú trọng hiện nay”, ông Phạm Thanh Tú nhận định.

Ông dẫn chứng: “Các dự án như cầu Mỹ Thuận 2 vừa làm xong, cầu Rạch Miễu 2 và Đại Ngãi 2 đang thi công và hiện là dự án cầu Nhơn Trạch... đều được kiểm soát gắt gao nguyên liệu đầu vào và công nghệ để hạn chế tối đa tác động đến môi trường trong quá trình thi công”.

a13-1728373126.jpg
Dự án cầu Nhơn Trạch (Vành đai 3 TP.HCM) hiện đang được thi công, đang kiểm soát gắt gao nguyên liệu đầu vào và công nghệ để hạn chế tối đa tác động đến môi trường.

Ông Nguyễn Hoàng Hà, Giám đốc Tư vấn kỹ thuật và Phát triển kinh doanh Fico-YTL, cũng cho biết, ngành xi măng đang có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ xanh. “Theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ về COP26, vào năm 2026 ngành xi măng sẽ được đưa vào danh sách bị áp trần phát thải CO2. Đây là thử thách, áp lực của chúng tôi. Tuy nhiên, trong thời gian 5 năm vừa qua, chúng tôi đã có nhiều đầu tư, nghiên cứu để đưa ra dòng xi măng xanh, giảm phát thải với nhiều dòng xi măng giảm phát thải từ 30-60% so với trước đó”, ông Hà chia sẻ.

Ông cũng nhấn mạnh đến việc cần đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ mới nhằm giảm phát thải hơn, tăng tỷ lệ thay thế nguyên liệu, thu hồi CO2, thu hồi nhiệt thừa để phát điện...

Cần thay đổi tư duy và chính sách để thúc đẩy xanh hóa

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng chỉ ra những trở ngại trong việc ứng dụng công nghệ xanh. TS Nguyễn Hữu Duy Quốc cho rằng, việc nghiên cứu khoa học công nghệ, quy chuẩn chưa theo kịp xu hướng xanh. Nguyên nhân là định mức đơn giá đang vướng, nhất là những công trình công phải bám vào điều này để triển khai. Trong khi đó, lĩnh vực tư nhân không bị ràng buộc điều này.

 “Nên bỏ những quy định cũ (như đơn giá)” để lĩnh vực Nhà nước tiếp cận xu hướng mới, nếu không sẽ khó áp dụng xanh vào lĩnh vực giao thông. Các chuyển động về công nghệ vẫn khá mới mẻ, việc luật hóa các tiêu chí để đẩy nhanh quá trình ứng dụng vật liệu xanh vào công trình vẫn khá chậm.

ong-quoc3-172829320375182127495-1728373170.jpg
TS Nguyễn Hữu Duy Quốc, Thành viên HĐQT Tổng Công ty Xây dựng số 1, chia sẻ tại tọa đàm.

Một khó khăn khác trong ngành Giao thông vận tải là tình trạng giá cát san lấp thực tế cao hơn đơn giá định mức, giá nhân công cũng vậy… “Nếu không cập nhật, không số hóa quá trình xây dựng định mức, thì khó đi theo kịp thị trường, theo kịp thực tế. Vật liệu xanh không hẳn đắt tiền, nhưng liệu có nằm trong danh sách, có nằm trong định mức hay không, nếu không sẽ không làm được. Chính vì vậy, lĩnh vực tư nhân hay nhà đầu tư nước ngoài họ mạnh dạn hơn, đưa ra được nhận thức về xanh, tác động môi trường; có thể cạnh tranh với nhau... Còn lĩnh vực đầu tư công lại khác. Nếu giải phóng được điều này may ra mới khởi sắc”, TS Nguyễn Hữu Duy Quốc nêu quan điểm.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, ngành xây dựng xanh vẫn ẩn chứa những cơ hội đầy tiềm năng. Việc tái chế vật liệu xây dựng như gạch vụn, bê tông, thép phế liệu... không chỉ giảm thiểu lượng rác thải, tiết kiệm tài nguyên mà còn góp phần giảm phát thải carbon.

Bên cạnh đó, công nghệ in 3D bê tông đang được nghiên cứu và ứng dụng tại Việt Nam, hứa hẹn mang đến giải pháp thi công tự động hóa, không cần ván khuôn, giảm phát thải, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Quan trọng hơn cả, việc nâng cao nhận thức về lợi ích của xây dựng xanh là yếu tố quyết định.

Những chương trình truyền thông, giáo dục hiệu quả sẽ giúp người dân, doanh nghiệp và chủ đầu tư hiểu rõ về xây dựng xanh, từ đó ủng hộ và đầu tư cho các công trình xanh, kiến tạo một môi trường sống bền vững.

Hành trình hướng đến Net Zero vào năm 2050 là một chặng đường dài và đầy thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực chung của Chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Thay đổi là tất yếu, và việc ứng dụng công nghệ xanh, đẩy mạnh phát triển bền vững là điều cần thiết để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển xanh, góp phần vào mục tiêu chung của thế giới trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Lê Thu