Xã miền núi Hòa Phú với mùa xuân và khát vọng

Hòa Phú – mảnh đất mang vẻ đẹp thơ mộng mà vững chãi, kiên cường qua từng chặng đường lịch sử đã trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào mùa xuân Ất Tỵ 2025.
khu-trung-tam-xa-hoa-phu-1738544278.jpg
Khu trung tâm xã Hòa Phú. Ảnh Tiên Sa

Là một xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, Hòa Phú nằm dọc theo quốc lộ 14G, với những cánh rừng keo lá tràm bạt ngàn và những ngôi làng bình yên, ẩn hiện hai bên con đường quanh co. Từ bao đời nay, nơi đây vốn là "địa đầu" kháng chiến của huyện, mang trong mình bề dày truyền thống cách mạng kiên trung và đáng tự hào.

Phát triển hạ tầng – Nền tảng vững chắc cho tương lai

Năm 2014, xã Hòa Phú được công nhận là xã nông thôn mới, một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển. Kể từ đó, cán bộ và nhân dân xã Hòa Phú đã không ngừng phấn đấu nâng cao các tiêu chí, kiên trì xây dựng quê hương Hòa Phú ngày thêm phát triển. Năm 2025, xã Hòa Phú đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tiến xa hơn nữa là trở thành xã nông thôn kiểu mẫu. Để hiện thực hóa khát vọng này, Đảng bộ và chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ.

tram-y-te-xa-hoa-phu-vua-nang-cap-1738544344.JPG
Trạm Y tế xã Hòa Phú vừa nâng cấp.
nha-van-hoa-xa-hoa-phu-vua-xay-dung-xong-1738544303.JPG
Nhà Văn hóa xã Hòa Phú vừa xây dựng xong.

Những năm qua, Hòa Phú đã vận động bà con tham gia xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm.” Người dân sẵn lòng hiến đất, đóng góp công sức và kinh phí, chung tay xây dựng những tuyến đường giao thông mới. Chỉ tính riêng năm 2023, xã đã hoàn thiện tuyến đường nội đồng Hố Cau dài 1.384m, tuyến giao thông kiệt hẻm dài 230m, cùng với hệ thống cống Hòa Hải đợt 2, nhằm đảm bảo sự kết nối giao thông thông suốt trong khu vực. Cầu An Châu đã hoàn thiện với tổng mức đầu tư gần 21 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương…

Giáo dục, y tế và chuyển đổi số - Bước tiến vượt bậc

Trong lĩnh vực giáo dục, Hòa Phú đã dành nhiều tâm huyết và nguồn lực để nâng cao cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn. Đến nay, các trường đều được trang bị hiện đại, khang trang, nâng cao điều kiện học tập cho học sinh, nhằm góp phần đào tạo nên những thế hệ trẻ giỏi giang, góp sức vào công cuộc phát triển địa phương. Không dừng lại ở đó, dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng được chú trọng. Hệ thống cơ sở y tế tại Hòa Phú đã được cải thiện đáng kể, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đồng thời mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển, giúp đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

nha-guol-thon-phu-tuc-1738544298.JPG
Nhà Gươl thôn Phú Túc.
sac-mau-van-hoa-truyen-thong-cua-nguoi-co-tu-thon-phu-tuc-duoc-bao-ton-va-phat-huy-1738544327.jpg
Sắc màu văn hóa truyền thống của người Cơ Tu thôn Phú Túc được bảo tồn và phát huy.

Chuyển đổi số cũng là một điểm nhấn trong công tác quản lý nhà nước tại Hòa Phú. Các lĩnh vực quản lý hành chính, đất đai, giáo dục, y tế từng bước được số hóa, tạo ra một môi trường làm việc nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch hơn. Bên cạnh đó, văn hóa – xã hội luôn là một điểm sáng của Hòa Phú với các hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi và đa dạng. Các phong trào, lễ hội truyền thống được tổ chức thường xuyên, góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây.

Kinh tế và du lịch – Hướng đi bền vững

Trong lĩnh vực kinh tế, Hòa Phú đã đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt chú trọng nâng cao thu nhập cho bà con. Hiện nay, tổng diện tích trồng lúa của xã trên 127 ha với năng suất trung bình đạt gần 68 tạ/ha, góp phần đảm bảo lương thực và thu nhập cho người dân. Xã cũng thực hiện chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất chưa sản xuất được tại các khu đồng Hố Lầy – Hòa Hải và đồng An Châu – Hòa Thọ, mở ra hướng phát triển cây trồng mới.

Với địa hình đồi núi chiếm hơn 77% tổng diện tích, Hòa Phú có lợi thế để phát triển trồng rừng và các loại cây gỗ lớn, cây dược liệu dưới tán rừng, một nguồn thu nhập lâu dài và ổn định. Mô hình ươm keo giống của Hòa Phú đã phát triển mạnh mẽ, với sản lượng trung bình đạt 13 triệu cây/năm, tạo điều kiện cho người dân tham gia sản xuất và ổn định kinh tế. Tổng diện tích rừng sản xuất toàn xã là 4.057 ha. Trong năm 2024, đã khai thác và trồng mới với diện tích trên 195 ha, sản lượng ước đạt 16.595 tấn.

trai-nghiem-du-lich-tai-trang-trai-afarm-farm-on-smartphone-thon-hoa-hai-1738544335.jpg
Trãi nghiệm du lịch tại trang trại Afarm - Farm On Smartphone (thôn Hòa Hải)
phong-trao-trong-cay-dau-xuan-dien-ra-soi-noi-1738544319.JPG
Phong trào trồng cây đầu xuân diễn ra sôi nổi.
nguoi-co-tu-nuoi-heo-lai-rung-mang-lai-hieu-qua-kinh-te-cao-thon-phu-tuc-xa-hoa-phu-1738544290.JPG
Người Cơ Tu nuôi heo lai rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao (thôn Phú Túc xã Hòa Phú)
mo-hinh-uom-giong-cay-keo-lai-tai-thon-hoa-hai-1738544285.jpg
Mô hình ươm giống cây keo lai tại thôn Hòa Hải.

Ngoài ra, Hòa Phú còn nổi bật với các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Các khu du lịch sinh thái như Núi Thần Tài, Suối Hoa, Hòa Phú Thành, V-Village ngày càng thu hút du khách nhờ vào cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và các hoạt động trải nghiệm phong phú. Bên cạnh đó, ẩm thực địa phương cũng là một điểm nhấn khi du khách đến với Hòa Phú, với những món ăn truyền thống như rượu cần, bánh tráng, rau rừng.

Hòa Phú – Vững bước tương lai

Hướng tầm mắt về mùa xuân Ất Tỵ 2025, xã Hòa Phú đã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao không chỉ là cột mốc đánh dấu chặng đường dài nỗ lực của địa phương mà còn mở ra một nền tảng vững chắc để Hòa Vang tự tin bước tới tương lai – trở thành một thị xã hiện đại, phồn thịnh nhưng vẫn giữ trọn vẹn nét đẹp văn hóa truyền thống. Mùa xuân Ất Tỵ ấy đong đầy niềm tin và hy vọng, là sợi dây kết nối bền chặt giữa truyền thống và phát triển, giữa hiện tại và tương lai, để mảnh đất Hòa Phú anh hùng tiếp tục tỏa sáng rực rỡ, trở thành niềm tự hào của cả vùng đất Hòa Vang./.

Tiên Sa