Nông nghiệp chuyển mình đột phá cần đắp bồi những doanh nhân nông nghiệp

Những doanh nhân có sẵn tư duy thị trường, tiềm lực vốn mở hướng sang nông nghiệp không chỉ là cuộc "lấn sân" mà đó là sự dấn thân để tạo thêm những giá trị mới cho nền nông nghiệp. Để nông nghiệp bứt phá cần có thêm động lực và nhân rộng những doanh nhân nông nghiệp.
doanh-nhan-nong-nghiep-3-1738469716.jpg
Hành trình của doanh nghiệp nông nghiệp Việt không chỉ hướng đến lợi nhuận, mà còn là hành trình của sự hợp tác và sẻ chia. (Ảnh minh họa)

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến hết tháng 12/2024, cả nước có khoảng 21.700 HTX nông nghiệp, trong đó có gần 2.500 HTX ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; 4.339 HTX tham gia bao tiêu nông sản cho thành viên. 2.169 HTX có các sản phẩm OCOP, chiếm 37,9% số chủ thể sản phẩm OCOP được công nhận. Có khoảng 1.200 HTX đã tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Đối với khu vực kinh tế trang trại, cả nước có 19.660 trang trại, trong đó có 1.034 trang trại đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, 56 trang trại tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, 4.235 trang trại có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chúng ta đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, với phạm vi rất rộng, bao trùm. Điều này đòi hỏi thay đổi tư duy của cấp ủy, chính quyền các cấp và người nông dân.

Theo Thủ tướng, nông nghiệp không thể đứng một mình mà phải có cả hệ sinh thái gồm các ngành nghề khác để cùng phát triển. Ví dụ, cần công nghiệp để công nghiệp hóa nông thôn; nông nghiệp cần doanh nghiệp và các ngành khác cũng cần nông nghiệp. Các ngành, các nghề phải hỗ trợ, hợp tác để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.

Để phát triển hệ sinh thái này thì có rất nhiều việc phải làm, như phải tích tụ đất đai để có diện tích đủ lớn; ứng dụng khoa học công nghệ, giúp nông dân nâng cao năng suất lao động; có cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế… Như để phát triển nông nghiệp xanh, giảm phát thải phải có hỗ trợ về vốn, thị trường, ưu tiên các giống cây trồng, vật nuôi mới.

Thủ tướng đặt vấn đề: Vừa qua, chúng ta đã có các chính sách nhưng đủ mạnh chưa? Cấp ủy, chính quyền phải bám sát để biết chính sách đã đi vào thực tế chưa, người nông dân phải tham gia kiểm chứng xem chính sách thực hiện thế nào trong thực tiễn.

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự báo thị trường, công tác quy hoạch để phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng khu vực, từng ngành và tăng cường liên kết vùng, ví dụ quy hoạch vùng nguyên liệu, khu vực nào tốt nhất cho lúa, cho cây ăn quả, ngô khoai sắn… từ đó tạo ra sự cộng hưởng phát triển.

Để nông dân thực sự trở thành nguồn lực vững mạnh trong kỷ nguyên mới cần có chính sách thúc đẩy từ phía Nhà nước. Họ thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, mang đến những giải pháp sáng tạo, hiệu quả, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững. Cùng đó cần rộng mở cơ chế khuyến khích những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

doanh-nhan-nong-nghiep-1-1738469757.jpg
Hợp tác xã (HTX) kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc (ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) được coi là mô hình điển hình về đổi mới tư duy nông nghiệp hàng hóa.(Ảnh minh họa)

Hợp tác xã (HTX) kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc (ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) được coi là mô hình điển hình về đổi mới tư duy nông nghiệp hàng hóa. Đến nay, HTX này đã có 14 sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ trồng lúa, các loại rau củ quả, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và tận dụng toàn bộ phế thải trong chăn nuôi, rơm rạ, rau củ quả làm phân bón sạch cho cây, hạn chế ô nhiễm môi trường, đã mở hướng phát triển hiệu quả, bền vững.

Ông Đinh Xuân Mộc, Giám đốc HTX kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc, cho biết: “Hướng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước kêu gọi các công ty, doanh nghiệp, HTX đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn và sản xuất công nghệ cao, Công ty TNHH cơ khí Đình Mộc chúng tôi quyết định đầu tư thêm vào sản xuất nông nghiệp nhằm tận dụng thế mạnh về các loại máy công, nông, lâm nghiệp với mong muốn góp phần xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Theo ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị; có đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; có môi trường xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, đằng sau mỗi sản phẩm nông nghiệp Việt là sự kết tinh của đất trời, hòa quyện cùng mồ hôi, công sức của người nông dân và doanh nhân. Những doanh nhân ấy không chỉ đơn thuần đưa sản phẩm ra thị trường, mà còn gửi gắm trong đó ý chí, bản lĩnh và trí tuệ của một dân tộc kiên cường qua bốn ngàn năm lịch sử.

Nhiều doanh nhân đã tiên phong thổi làn gió mới vào nông sản Việt: từ sầu riêng đông lạnh xuất khẩu, chanh leo chế biến sâu, đến thanh long sấy dẻo, dừa sáp đặc sản, nước cốt rau củ quả,… chinh phục người tiêu dùng trên khắp thế giới. Mỗi sản phẩm không chỉ là thực phẩm hay hàng hóa, mà còn là biểu tượng cho sự sáng tạo không ngừng nghỉ.

doanh-nhan-nong-nghiep-4-1738469699.jpg
Đằng sau mỗi sản phẩm nông nghiệp Việt là sự kết tinh của đất trời, hòa quyện cùng mồ hôi, công sức của người nông dân và doanh nhân.(Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhìn nhận: Hành trình của doanh nghiệp nông nghiệp Việt không chỉ hướng đến lợi nhuận, mà còn là hành trình của sự hợp tác và sẻ chia. Những doanh nhân chân thành ấy hiểu rằng, sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp không thể tách rời sự thịnh vượng của cộng đồng. Các doanh nhân hiểu rằng, thành công của doanh nghiệp không chỉ đo bằng doanh thu, mà còn đo bằng niềm tin và sự yêu mến từ xã hội.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những chương trình hỗ trợ nông dân về giống cây trồng, kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm hay đầu tư vào giáo dục, quỹ từ thiện đã lan tỏa ý nghĩa sâu sắc của sự sẻ chia. Các doanh nhân luôn tâm niệm: một đất nước chỉ thực sự hùng cường khi từng người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và quan trọng hơn, các doanh nhân đã giữ mãi ngọn lửa khởi nghiệp và dưỡng nghiệp, để những ước mơ luôn được thắp sáng trên từng cánh đồng quê hương.

Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là khái niệm xa vời, mà đã trở thành công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp nông nghiệp tối ưu hóa sản xuất, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị sản phẩm. Công nghệ không chỉ giúp các doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng, mà còn mở ra cơ hội lớn để nông nghiệp Việt Nam bước vào những thị trường đẳng cấp toàn cầu./.

Bình Châu