Vườn quốc gia Xuân Thủy sẽ tham gia đề cử thành Vườn di sản ASEAN

Việc công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN không chỉ góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử đối với từng quốc gia và cả khu vực.
vuon-quoc-gia2-1695295260.jpg
Khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy hiện đang là nơi sinh sống của 219 loài chim. Ảnh: TL.

UBND tỉnh Nam Định chấp thuận chủ trương cho Vườn Quốc gia Xuân Thủy xây dựng hồ sơ, đề cử trở thành Vườn di sản ASEAN.

Chương trình Vườn Di sản ASEAN (ASEAN Heritage Park (viết tắt là AHP) là một sáng kiến của Bộ trưởng Môi trường các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN), thực hiện dựa trên Tuyên bố về các vườn di sản của Bộ trưởng các nước ASEAN từ năm 2003.

Đây là danh hiệu về bảo tồn của khu vực, được triển khai với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái quan trọng, mang tính độc đáo đặc biệt của khu vực ASEAN, có tầm quan trọng trong khu vực và quốc tế.

Các Vườn Di sản ASEAN góp phần quan trọng trong bảo tồn nguồn gene, bảo đảm sử dụng bền vững các hệ sinh thái. Duy trì các khu vực tự nhiên có giá trị văn hóa, giáo dục, nâng cao nhận thức đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.

Vườn Quốc gia Xuân Thủy rộng 15.000 ha nằm tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định được biết đến là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam. Đây không chỉ là khu đất ngập nước quan trọng, thiên đường của các loài chim mà còn là nơi có sự giao thoa giữa con người và thiên nhiên.

Tháng 10/2004, UNESCO cũng đã công nhận Vườn Quốc gia Xuân Thủy là vùng quan trọng số một của khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.

Hương Lan