Vườn Quốc gia Bến En – Nàng công chúa đang chờ được đánh thức

Vườn quốc gia Bến En được thiên nhiêu ưu ái ban tặng cho nhiều cảnh quan kỳ vĩ, cùng với sự đang dạng về hệ sinh thái, hòa cùng sắc màu văn hóa bản địa, là điều kiện để phát triển du lịch. Thế nhưng thế mạnh đấy vẫn đang chờ được “đánh thức”.
ben-en-1-1709740783.jpg
Nằm trong lòng Vườn quốc gia Bến là con sông Mực với dòng nước trong xanh, được ví như Hạ Long trên cạn.

Nằm cách TP. Thanh Hoá 45km về phía Tây Nam, Vườn Quốc gia (VQG) Bến En trải rộng qua 10 xã, thị trấn thuộc địa bàn 2 huyện Như Thanh và Như Xuân (Thanh Hoá). Với địa hình đặc trưng là sông hồ, đồi núi thấp và thung lũng, đã tạo nên sự đa dạng về sinh học. VQG Bến En hiện lên trong mắt du khách như “vịnh Hạ Long trên cạn”.

Thế mạnh phát triển du lịch sinh thái

VQG Bến En được thành lập ngày 27/01/1992, với tổng diện tích 14.305 ha. Nơi đây có hơn 30.000 ha rừng vùng đệm phần lớn là rừng nguyên sinh. Với sự đan xen của đồi núi chạy bao quanh con sông Mực rộng lớn, nước trong xanh, có các đảo biệt lập, cảnh quan thơ mộng hấp dẫn du khách.

Nơi đây có một hệ sinh thái đang dạng chủng loại, phong phú về số lượng với những cánh rừng nguyên sinh có nhiều cây gỗ quý có tuổi đời trên 100 năm. Có nhiều loài động vật quý hiếm, (trong đó có 29 loài nằm trong sách đỏ IUCN và 42 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam).

Ngoài ra, Bến En còn được biết đến với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, cùng nhiều hang động với những nhũ đá đẹp được tích tụ qua hàng nghìn năm về trước. Cùng với đó là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, bao quanh  những dãy nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái, Mường.

ben-en-2-1709741035.jpeg
Trên những bãi bồi ven sông có nhiều mặt bằng đẹp thuận tiện cho du khách cắm trại nghỉ ngơi.

Không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và hấp dẫn, trong vùng đệm của VQG Bến En còn có nguồn tài nguyên nhân văn phong phú và giàu giá trị, với hệ thống các di tích, danh thắng nổi tiếng, cùng các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo.

Đó là đền Khe Rồng thờ một vị tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh đầu thế kỷ XV, đền Phủ Sung thờ Liễu Hạnh thánh mẫu, di tích Lò Cao Kháng Chiến nơi giáo sư Trần Đại Nghĩa và cộng sự đã nghiên cứu, xây dựng các lò đúc gang để chế tạo vũ khí cung cấp cho bộ đội ta đánh Pháp.

Tại các vùng đệm, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, Mường hiện còn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian, ẩm thực độc đáo. Đây sẽ là những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, góp phần bổ trợ cho sản phẩm du lịch sinh thái.

Từ những thế mạnh nêu trên, để khai thác và phát triển du lịch Bến En, ngày 31/12/ 2009 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 4775/QĐ-UBND, xây dựng “Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái VQG Bến En, giai đoạn 2010–2020”.

Theo đó, thị trường khách du lịch chính của VQG là các nước trong khối ASEAN, và các du khách ở vùng Tây Âu, Đông Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Sản phẩm du lịch chính là tham quan, nghỉ dưỡng, khảo sát nghiên cứu đa dạng sinh học, tìm hiểu lịch sử và văn hóa tâm linh, tham quan làng nghề, du lịch đồng quê, du lịch mạo hiểm…

Đặc biệt, tại Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa và quy hoạch vùng huyện Như Thanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Vườn Quốc gia Bến En được xem là thế mạnh, cần được khai thác hiệu quả để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đánh thức tiềm năng du lịch “ngủ quên”

Theo đề án, đến năm 2025, Bến En sẽ đón 25 nghìn lượt khách, trong đó khách lưu trú hơn 8 nghìn lượt, thu ngân sách từ dịch vụ du lịch trên 15 tỷ đồng. Đến năm 2030, tổng lượt khách đạt trên 80 nghìn lượt, trong đó khách lưu trú đạt 20 nghìn lượt; thu ngân sách từ dịch vụ du lịch trên 64 tỷ đồng.

Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng Vườn Quốc gia Bến En chưa được đầu tư, khai thác tương xứng nên “hòn ngọc xứ Thanh” này vẫn chưa phát huy tác dụng trong việc phát triển kinh tế của địa phương. Đến nay, Bến En mới chỉ khai thác một số điểm, tuyến tham quan trong Vườn như từ Đập Mẫy đi đảo Thanh Niên, đảo Thực Vật, tuyến tham quan từ Đập Mẫy đi làng Vơn;...

ben-en-3-1709741284.jpeg
Trong vùng đệm của Vườn quốc gia Bến En là nơi sinh sống của đồng bào người Thái, người Mường với nhiều nét văn hóa truyền thống còn được lưu giữ

Vì vậy, việc đầu tư nơi này trở thành khu du lịch hấp dẫn, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân là việc làm cần thiết, góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Ông Lê Công Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Bến En cho biết:  “Vườn Quốc gia Bến En có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Để khai thác du lịch, đơn vị đã tăng cường giới thiệu, quảng bá tuyến du lịch tham quan dã ngoại nhằm thu hút, kêu gọi hợp tác đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã xây dựng Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bến En đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Để thực hiện được điều này, Vườn Quốc gia Bến En cần nguồn vốn để đầu tư nhiều hạng mục, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng các dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách. Có như vậy, Vườn Quốc gia Bến En mới phát huy được tiềm năng, thế mạnh, thu hút ngày càng nhiều khách tham quan”.

Phát triển du lịch sinh thái tại Bến En không chỉ góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn góp phần giữ vững an ninh rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

Để viên ngọc xanh Xứ Thanh thực sự “tỏa sáng” cần có sự chung tay của chính quyền và nhân dân. Trong đó, phát huy thế mạnh sẵn có để tạo dựng nên nét riêng biệt để níu chân du khách là nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài ra, việc thu hút đầu tư, tìm kiếm các doanh nghiệp có tâm được xem như chàng Hoàng tử đến đây để đánh thức "nàng công chúa" Bến En đang ngủ say trong rừng./.

Hà Khải