Đến với chương trình các em nhỏ cùng cha mẹ được tham gia vào hành trình khám phá di sản qua hoạt động trải nghiệm các giác quan: chơi và tìm hiểu các loại nhạc cụ, nguyên liệu dệt vải, tập hát dân ca, tương tác với màn hình vui nhộn trong không gian khám phá. Bên cạnh đó, các em cũng được tham gia nhiều trò chơi rèn luyện sự nhanh nhẹn và trí tuệ của các nước: Ấn Độ, Malaysia, Nepal, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam...
Những bạn nhỏ khéo léo, kiên trì sẽ được tham gia vào hoạt động tô vẽ, sáng tác tranh. Đặc biệt, những bạn yêu thích truyện cổ tích được thưởng thức các tiết mục múa rối tay của nghệ sĩ múa rối độc diễn đương đại Dương Văn Học. Nghệ sĩ Dương Văn Học trực tiếp hướng dẫn cho các em nhỏ tập biểu diễn với một số nhân vật rối yêu thích.
Một nét mới trong chương trình năm nay, các em nhỏ có cơ hội khám phá di sản văn hóa qua công nghệ với trải nghiệm nhập vai “Xuyên không cùng con” và VR tour tìm hiểu Chùa Một cột - Diên Hựu. Ngoài ra, công chúng nhỏ tuổi cũng có cơ hội giao lưu và tìm hiểu văn hoá cùng sinh viên Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Mozambique, Triều Tiên…đến từ Học viện Khoa học Quân sự bằng cách học lời chào, cảm ơn qua một số ngôn ngữ; tìm hiểu trang phục và lễ hội; hát giao lưu... Qua đây, các em có thể khám phá sự đa dạng của thế giới, từ đó tìm hiểu những nét tương đồng giữa Việt Nam và các nước.
Tiến sỹ Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: “Thông qua việc tổ chức đa dạng hoạt động, tăng cường các trải nghiệm, khuyến khích sự tham gia của cha mẹ cùng các con, chương trình mong muốn các bạn nhỏ không chỉ có cơ hội tìm hiểu, khám phá văn hóa các dân tộc Việt Nam và thế giới mà còn giúp phát triển tư duy, khả năng sáng tạo và kỹ năng giao tiếp. Đây cũng chính là món quà nhỏ của Bảo tàng muốn tặng các em sau những ngày học tập mệt mài. Qua đây chúng tôi hy vọng các em tăng cường hiểu biết và trân trọng các tri thức dân gian. Từ đó thế hệ trẻ có ý thức bảo vệ và gìn giữ di sản văn hoá của cha ông".