Chương trình do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức tại Khu Hoàng Thành nhằm góp phần gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông, khơi nguồn tinh hoa văn hóa dân tộc và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Trong khuôn khổ chương trình đã tái hiện nhiều nghi lễ truyền thống và đặc sắc. Lễ Tiến lịch không chỉ là một nghi lễ thiêng liêng đóng vai trò tối quan trọng trong đời sống cung đình và dân gian xưa mà “lịch” đã trở thành một vật đặc biệt gắn liền với đời sống của con người trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì thế, nghi lễ này như là một sợi dây kết nối giữa con người đương đại với nền văn hóa của quá khứ.
Lễ thả cá chép tiễn ông Công ông Táo (nhằm ngày 23 tháng Chạp) - một phong tục truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng thành kính với các Táo quân. Sau một thời gian tìm hiểu, sưu tầm và nghiên cứu kỹ lưỡng, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phỏng dựng thành công nghi lễ này, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đất Hà thành trong những dịp xuân về đón chào năm mới.
Hai lễ đặc sắc khác cũng được tái hiện tại chương trình là lễ dựng cây nêu và lễ đổi gác. Việc dựng cây nêu mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, bảo vệ gia đình khỏi những điều xấu xa và cầu mong một năm mới bình an, may mắn. Cây nêu được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, sau lễ tiễn ông Táo về trời, và hạ xuống vào ngày mùng 7 tháng Giêng, kết thúc kỳ nghỉ Tết. Phong tục dựng cây nêu không chỉ phổ biến trong cộng đồng người Kinh và trong dân gian mà còn được duy trì trong kinh thành Thăng Long cũng như xuất hiện ở nhiều dân tộc thiểu số khác tại Việt Nam.
Đổi gác là một nghi thức quan trọng diễn ra hàng ngày trong cấm thành Thăng Long và triều Đại nhà Lê cũng không ngoại lệ. Ra vào cung phải có sắc chỉ của Vua mới được ra vào cửa cấm. Nếu có lệnh truyền triệu viên quan nào, ban ngày thì dùng bài ngà, cờ lệnh, ban đêm dùng hổ phù, cờ lệnh, lúc ấy quân hộ vệ mới được mở cửa thành. Để đảm bảo nhiệm vụ canh giữ, luật quy định binh lính phải đến đúng giờ, đúng quân số và chuẩn bị đầy đủ các công cụ hỗ trợ.
Theo TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, các nghi lễ “tống cựu nghinh tân” khép lại năm cũ và đón chào mùa xuân mới với mong ước an vui, sum vầy, bao gồm lễ cúng ông Công ông Táo, lễ phất thức, phong ấn, lễ tiến lịch, lễ tiến xuân ngưu, lễ dựng nêu... Đây là các nghi lễ truyền thống trong cung đình xưa, mở đầu cho chuỗi nghi lễ được nhà vua và triều đình thực hiện trong dịp Tết Nguyên đán, diễn ra từ cuối tháng Chạp đến rằm tháng Giêng.
Vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 78 đã chính thức ghi nhận ngày Tết nguyên đán là ngày lễ của Liên hợp quốc kể từ năm 2024./.