Vốn vay chính sách 'tiếp sức' người dân huyện Buôn Đôn ăn nên làm ra

Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ kinh doanh tại huyện biên giới Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) từng bước thoát nghèo, phát triển kinh tế, đầu tư phát triển sản xuất, và ăn nên làm ra nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Quảng - một hộ dân ở thôn Đồi Cày (xã Tân Hòa) cho biết năm 2015, ông được vay hơn 100 triệu đồng từ các nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Buôn Đôn. Với số vốn này, gia đình ông đã đầu tư vào chăn nuôi, cho con ăn học và xuất khẩu lao động. Đến nay, sau gần 10 năm gia đình ông đã xây dựng được một căn nhà êm ấm khang trang. 2 người con của ông Quảng đang đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản rất ổn định. Cuộc sống gia đình ông giờ đã đỡ vất vả hơn trước rất nhiều, có của ăn, của để.

can-bo-ngan-hang-csxh-huyen-buon-don-thuc-hien-thu-tuc-giai-ngan-von-vay-cho-nguoi-dan-1719305189.jpg
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Buôn Đôn thực hiện thủ tục giải ngân vốn vay cho người dân.

Bà Hoàng Thị Hồng – một hộ dân khác cũng ở xã Tân Hòa sở hữu 6 sào đất. Trước giờ bà Hồng gặp nhiều khó khăn trong trồng trọt canh tác do thiếu nước tưới. Bà Hồng quyết định vay 20 triệu đồng từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường để khoan giếng. Từ khi có giếng nước tưới tiêu, công việc cũng như cuộc sống gia đình bà Hồng đỡ vất vả hơn trước. Sản xuất kinh tế, trồng trọt của gia đình cũng khá lên rõ rệt.

Sau khi hoàn trả số tiền vay lần đầu đúng kỳ hạn, bà Hồng được tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng. Số vốn này thuộc Chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo. Có nguồn vốn mới, bà Hồng tiếp tục đầu tư vào đàn dê giống để phát triển chăn nuôi. Hiện tại, bà Hồng đã phát triển đàn dê lên 10 con. “Với giá dê thịt ổn định như hiện giờ, tôi tự tin sẽ có lãi và hoàn trả hết vốn vay trong năm nay cho ngân hàng” - bà Hồng vui mừng cho hay.

Chị Nguyễn Thị Phượng ở thôn 12, xã Tân Hòa cũng là đối tượng được vay 30 triệu đồng theo chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Với số vốn ban đầu này, chị Phượng đầu tư thêm bàn may, máy móc, vừa tạo việc làm cho 2 lao động ở địa phương, vừa phát triển, mở rộng cơ sở, nhận thêm nhiều đơn hàng, tăng thêm thu nhập. Công việc làm ăn của chị đang tiến triển thuận lợi từng ngày.

can-bo-ngan-hang-csxh-huyen-chi-nhanh-buon-don-di-kiem-tra-thuc-te-ho-vay-su-dung-nguon-von-tai-xa-tan-hoa-1719305155.jpg
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện chi nhánh Buôn Đôn đi kiểm tra thực tế hộ vay sử dụng nguồn vốn tại xã Tân Hòa.

Với tinh thần làm việc tích cực và nỗ lực hết mình, nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện Buôn Đôn đã kịp thời đến với người dân. Trong những năm qua, Ngân hàng luôn đáp ứng hiệu quả nhu cầu vay vốn của người dân. Đồng thời, với sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, giám sát và hoạt động ủy thác với các cấp, ban, ngành, địa phương… cũng như các tổ tiết kiệm và vay vốn, công tác triển khai vay vốn được công khai, dân chủ, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng.

Bên cạnh đó, việc đôn đốc hội viên, đoàn viên trả lãi theo thời gian quy định cũng được Ngân hàng duy trì đều đặn và thường xuyên. Nhờ vậy, nợ xấu, nợ quá hạn trên địa bàn huyện luôn được kiểm soát ổn định và chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 0,006% trên tổng dư nợ.

Ông Võ Khắc Huy - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Buôn Đôn cho biết, hiện nay Ngân hàng đã triển khai đồng loạt 13 chương trình vay phổ biến rộng khắp địa bàn huyện. “Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đầy đủ nội dung và công khai lãi suất của từng chương trình, Ngân hàng còn ký kết văn bản liên tịch về việc thực hiện ủy thác cho vay. Đối tượng thụ hưởng chương trình là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác” - ông Huy cho biết.

ngay-tu-dau-nam-2024-ngan-hang-csxh-huyen-buon-don-tich-cuc-trien-khai-giai-ngan-chuong-trinh-tin-dung-den-cho-nguoi-dan-1719305124.jpg
Ngay từ đầu năm 2024 Ngân hàng CSXH huyện Buôn Đôn tích cực triển khai giải ngân chương trình tín dụng đến cho người dân.

Theo thông tin từ ông Ông Võ Khắc Huy, 4 tổ chức chính trị - xã hội mà Ngân hàng ký kết liên tịch bao gồm: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Theo đó, các tổ chức này có trách nhiệm đứng ra nhận ủy thác cho hội viên - đoàn viên. Ngoài ra, còn có trách nhiệm phối hợp chuyển giao khoa học - công nghệ; Các chương trình khuyến nông, đào tạo nghề, … từ đó, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả, tạo ra việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia và đảm bảo an sinh xã hội.

Theo Ngân hàng CSXH huyện Buôn Đôn, đến nay, tổng dư nợ toàn huyện đạt gần 470 tỷ đồng, tăng gần 1,7% so với cùng kỳ năm 2023; cho 9.619 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay; huy động tiết kiệm hơn 22 tỷ đồng, tăng hơn 1 tỷ đồng so với cuối năm 2023./.

Kiến Giang