Vĩnh Phúc: Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 250/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động săn phát triền an toàn, lành mạnh, bền vững.
vp-1666657895.jpg
Minh họa

Trên quan điểm nhất quán của tỉnh là kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm theo đúng quy định của pháp luật, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều công ăn việc làm ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương; ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải đánh giá cụ thể, chính xác về tình hình và cung - cầu để phát triển thị trường bất động sản trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, quy luật cạnh tranh song song phát huy vai trò quản lý của nhà nước, các công cụ chính sách để can thiệp, kiểm soát khi cần thiết một cách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không đê tình trạng thao túng thị trường, găm hàng, đội giá; xác định các phân khúc thị trường, các nhu cầu, như nhà ở công nhân, nhà thu nhập thấp để có giải pháp phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp, “không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Vì vậy, trong quá trình thực hiện phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để tháo gỡ các vướng mắc, xử lý sai phạm để bảo vệ thị trường, bảo vệ tài sản, bảo vệ con người, không hợp thức hóa sai phạm nhưng cũng đánh giá khách quan, tìm hiểu nguyên nhân, có cơ chế tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn đặt ra. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền với nội dung, hình thức phù hợp hiệu quả, đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng kiến thức tài chính, kiến thức pháp luật cho nhân dân, trong nhà trường và bằng các hình thức khác.

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp chung này, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện 14 nhiệm vụ cụ thể và giải pháp trọng tâm. Trong đó, yêu cầu làm tốt công tác tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Xây dựng Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn từ nay đến năm 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm theo quy định của Luật Nhà ở trong đó xác định rõ có danh mục các dự án nhà ở để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn.

Tăng cường công tác kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng pháp luật; đồng thời, có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thông hạ tầng; kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản./.

Đức Hiếu