Vĩnh Phúc: Đầu tư khai thác tiềm năng thế mạnh du lịch

Vĩnh Phúc được đánh giá là "vùng đất vàng" cho phát triển du lịch. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.303 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt là danh thắng Tây Thiên, tháp Bình Sơn, đình Thổ Tang; 65 di tích cấp quốc gia; 446 di tích cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn nổi tiếng với các di sản văn hóa đặc sắc đã được cấp bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, lễ hội kéo Song Hương Canh, lễ hội Rước nước đền Ngự Dội; các làn điệu dân ca, dân vũ: trống quân Đức Bác, Soọng cô...

Tháng 1/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Tam Đảo là khu du lịch quốc gia và ngày 11/11/2022, tại Muscat, Oman, Tổ chức Du lịch Thế giới đã vinh danh thị trấn Tam Đảo là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới. Đây là động lực để chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tiếp tục phát huy những giá trị, vẻ đẹp vốn có của du lịch Vĩnh Phúc, đem lại những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách

Song song với phát triển du lịch sinh thái và du lịch tâm linh, lễ hội, Vĩnh Phúc đầu tư mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE và du lịch thể thao golf nhằm hướng tới phân khúc khách du lịch có mức thu nhập và chi tiêu cao. Trên địa bàn tỉnh hiện có 540 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 4 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao; có 4 sân golf lớn với thiết kế theo tiêu chuẩn 5 sao, phong cảnh thiên nhiên hữu tình thơ mộng, không gian yên tĩnh là lựa chọn lý tưởng cho khách du lịch golf.

vp1-1673482563.jpg
Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo đón hàng nghìn du khách dịp tết Dương lịch 2023

Thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm đầu tư phát triển toàn diện ngành du lịch. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là các khu du lịch trọng điểm như Tam Đảo, Đại Lải, Tây Thiên… được đầu tư, nâng cấp. Mạng lưới giao thông kết nối các khu du lịch đã được hoàn thiện và thường xuyên bảo trì, sửa chữa.

Hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, mạng internet cũng được lắp đặt, phủ sóng ở các khu vực miền núi để bảo đảm chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, các đơn vị uy tín được lựa chọn để tư vấn, thiết kế, thi công nhằm phát triển, hoàn thiện cơ sở vật chất ở các khu du lịch trọng điểm. Thời gian qua, du khách đến với tỉnh Vĩnh Phúc không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi ngoạn mục về diện mạo, cảnh quan, cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông.

Công tác quản lý và chính sách thu hút đầu tư cũng thể hiện sự chú trọng của lãnh đạo tỉnh đối với ngành du lịch. Song song với việc chủ động dành quỹ đất cho các dự án, tỉnh chủ trương cải thiện chính sách và thủ tục hành chính theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn để tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi nhằm khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch và đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh lân cận, nhất là những địa phương có ngành du lịch phát triển để xây dựng những tour du lịch nội địa hấp dẫn du khách.

Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được tỉnh chú trọng và đổi mới. Mới đây, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Vĩnh Phúc tại thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề Vĩnh Phúc - điểm đến ấn tượng, an toàn được triển khai theo hướng để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch chủ động gặp gỡ, ký kết, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản phẩm du lịch về đêm, phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

Chia sẻ tại hội nghị xúc tiến, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Vĩnh Phúc lựa chọn điểm đến thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch là một trong những hoạt động thích ứng triển khai thỏa thuận hợp tác mà cơ quan Nhà nước đã ký kết. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp để các sản phẩm của Vĩnh Phúc được giới thiệu, quảng bá tại thành phố Hồ Chí Minh, từ đó góp phần kích cầu nội địa trong dịp Tết nguyên đán sắp tới.

Qua chương trình xúc tiến, tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc được khơi dậy. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành, câu lạc bộ golf trong nước gặp gỡ, trao đổi, hợp tác đầu tư, kết nối phát triển du lịch; là cầu nối thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch Vĩnh Phúc giới thiệu sản phẩm, kết nối với các hãng lữ hành, câu lạc bộ golf và du khách miền Nam."

vp2-1673482602.jpg
Doanh nghiệp lĩnh vực du lịch Vĩnh Phúc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp du lịch thành phố Hồ Chí Minh

Để góp phần triển khai hiệu quả các hoạt động kích cầu du lịch, thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, giới thiệu về điểm đến du lịch Vĩnh Phúc an toàn, thân thiện trên các phương tiện truyền thông, tại các hội chợ, triển lãm du lịch; thông qua tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để thu hút khách.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương nhằm khai thác tốt giá trị nổi bật của các di sản văn hóa, danh thắng thiên nhiên, di tích lịch sử - cách mạng, trước mắt là các loại hình du lịch sinh thái gắn với văn hóa bản địa, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật. Tăng cường kết nối điểm đến và chuỗi cung ứng dịch vụ của các địa phương thành các sản phẩm du lịch an toàn, chất lượng, giá cả hợp lý.

Tỉnh ưu tiên các dự án đầu tư du lịch, tập trung phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của tỉnh, bao gồm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội, du lịch MICE, du lịch thể thao golf, hình thành các khu du lịch trọng điểm có tính độc đáo, tạo ra sự khác biệt, cạnh tranh cao, có chất lượng dịch vụ tốt nhất, sản phẩm du lịch đa dạng; xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc thành một trong những vị trí chiến lược trong mạng lưới du lịch của cả nước và khu vực./.

Đức Hiền