Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niêm năm 2022 với những con số biết nói.
Theo đó, Vietcombank ghi nhận 24.773 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng khoảng hơn 3.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng là 32.705 tỷ đồng, tăng 14,4% so với nửa đầu năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, chi phí hoạt động của Vietcombank tăng 17,3% lên 10.324 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 9% xuống 5.007 tỷ đồng.
Kết quả, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2022 ở mức 17.373 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lãi cao nhất trong hệ thống ngân hàng.
Tính đến hết ngày 30/6/2022, tổng tài sản của Vietcombank đạt xấp xỉ 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 13,4% so với hồi cuối năm 2021. Tiền gửi của khách hàng đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm. Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng tới 14,6% so với đầu năm.
Cùng thời điểm, tiền gửi của khách hàng tại Vietcombank tăng 5,3% lên hơn 1,19 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn là 402.345 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Tiền gửi vốn chuyên dùng lại giảm 64% xuống 11.326 tỷ đồng, tiền gửi ký quỹ tăng 49% lên 9.416 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉ lệ CASA của Vietcombank đạt 35,4%, đã giảm so với mức 35,7% hồi đầu năm.
Về chất lượng nợ vay, tính đến ngày 30/6/2022, nợ xấu tại Vietcombank ghi nhận hơn 6.693 tỷ đồng, tăng hơn 572 tỷ đồng, tương đương 9% so với cuối năm ngoái. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng đến 80,3% từ 744 tỷ đồng lên hơn 1.340 tỷ đồng, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm hơn 4.668 tỷ đồng, tăng 6%. Tỷ lệ nợ xấu tỷ lệ trên tổng dư nợ ở mức 0,6%.
Với việc nợ có khả năng mất vốn tăng cao, Vietcombank đã phải mạnh tay chi cho dự phòng rủi ro cho vay khách hàng. Theo đó, ngân hàng đã phải chi ra 33.861 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng gần 7.900 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, trong thuyết minh báo cáo tài chính, ngân hàng này đã không công bố số liệu dư nợ cho vay khách hàng theo lĩnh vực.
Tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù Vietcombank ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên trên 500%, tức 1 đồng nợ xấu, trích lập 5 đồng dự phòng, nghĩa là chất lượng tài sản vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, trong khi các thông tư giãn nợ, hoãn nợ của Ngân hàng Nhà nước đang giúp các ngân hàng cơ cấu các khoản nợ mà chưa xếp vào khoản nợ xấu, nên có thể khoản nợ xấu của Vietcombank có thể lớn hơn thực tế.
Thực tế, thời gian qua, vấn đề nợ xấu tại Vietcombank vẫn là dấu hỏi trắc ẩn đối với nhà đầu tư. Nhất là hồi cuối năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo Kết luận thanh tra số 3216/TB-TTCP qua đó chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác cho vay, giải ngân vốn vay, bán nợ và đầu tư tài chính tại Vietcombank.
Tại kết luận thanh tra, bên cạnh ưu điểm được nêu ra như như tốc độ tăng trưởng tài sản đạt mức cao trong hệ thống, chất lượng tín dụng được chú trọng, hệ số an toàn được đảm bảo, thu hồi nợ ngoại bảng kết quả tốt, hoạt động dịch vụ tăng trưởng tốt, lợi nhuận tăng, tỷ suất sinh lời đạt khá tốt... Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ những vi phạm, khuyết điểm tại Vietcombank.
Cụ thể, về thẩm định, phê duyệt cho vay, kết luận thanh tra nêu, một số hồ sơ tín dụng có hồ sơ pháp lý khách hàng, pháp lý dự án không đầy đủ; thẩm định hồ sơ vay vốn, năng lực tài chính thiếu chính xác; báo cáo thẩm định chưa phân tích và đánh giá khả năng trả nợ, nguồn trả nợ, hiệu quả dự án, phương án vay vốn; thẩm định xác định hạn mức tín dụng, vòng quay vốn, thời hạn cho vay, nguồn vốn tự có, vốn huy động khác chưa đủ cơ sở, thiếu chính xác…
Về giải ngân vốn vay, một số hồ sơ tín dụng giải ngân khi chưa đủ điều kiện theo phê duyệt; chứng từ giải ngân không đầy đủ; giải ngân cho vay mới trả khoản vay cũ hoặc trả lãi vay; có trường hợp giải ngân không kiểm tra, kiểm soát các hóa đơn chứng từ (kiểm tra bản gốc của hóa đơn bán hàng), dẫn đến khách hàng giả mạo, sửa chữa nâng giá trị hóa đơn lên nhiều lần để rút vốn ngân hàng.
Về xử lý rủi ro, một số hồ sơ xử lý rủi ro có nguyên nhân từ việc khi cho vay Vietcombank đã vi phạm các quy định của hoạt động tín dụng. Sau khi xử lý rủi ro còn chưa có biện pháp kiên quyết, phù hợp để thu hồi nợ, như là phát mại tài sản hay bán nợ…
Về kiểm tra sử dụng vốn vay, một số hồ sơ tín dụng các chi nhánh thực hiện kiểm tra không đầy đủ theo quy định; nội dung kiểm tra chung chung, sơ sài, chưa đầy đủ, chưa kiểm tra cụ thể về sổ sách kế toán, chưa đề cập các thông tin về tình hình kinh doanh, đánh giá dòng tiền, dẫn đến ngân hàng không kiểm soát được việc sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ của khách hàng.
Về tài sản đảm bảo, một số hồ sơ tín dụng nhận thế chấp tài sản đảm bảo (TSĐB) không đủ điều kiện theo quy định; việc định giá lại TSĐB chưa theo quy định; hợp đồng thế chấp tài sản không có công chứng… Về phân loại nợ, có một số hồ sơ tín dụng thực hiện xếp hạng khách hàng, phân loại nợ và cơ cấu nợ chưa đúng quy định tại Quyết định 780/QĐ-NHNN và Công văn 2506/NHNN-CSTT.
Trên cơ sở những vi phạm, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Vietcombank chấn chỉnh công tác liên quan đến hoạt động cho vay, bán nợ: Chấn chỉnh công tác phê duyệt tín dụng; rà soát, xem xét việc thu hồi vốn vay trước hạn đối với những khách hàng có vi phạm trong việc không thực hiện các điều kiện cấp tín dụng, sử dụng vốn vay không đúng mục đích; rà soát, trích lập dự phòng cụ thể đối với các khoản nợ có điều chỉnh nhóm nợ; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay, giảm dần dư nợ đối với một số khách hàng có tình hình kinh doanh không hiệu quả.
Thanh tra Chính phủ cũng đã yêu cầu Vietcombank bổ sung, sửa đổi các quy định nội bộ về quy trình, hồ sơ tín dụng trong quản lý đối với tài sản hình thành từ vốn vay, hướng dẫn chi tiết việc chấm điểm xếp hạng tín dụng nội bộ đối với các chỉ tiêu phi tài chính.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu Vietcombank rà soát, sửa đổi các quy định về bán nợ, cần tách bạch việc bán nợ với việc bán tài sản để thu nợ; bán nợ phải đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh, đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt là các khoản nợ được Công ty quản lý tài sản VAMC ủy quyền...