Theo Bộ Công Thương, sở dĩ nhập siêu trở lại sau 11 tháng là nhờ kim ngạch xuất khẩu tháng 11 tiếp tục tăng gần 4% ở mức xấp xỉ 30 tỷ USD và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 11 tháng xuất khẩu ước đạt gần 299,7 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ 2020.
Trong số này, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu, chiếm tới 86%, đạt gần 258 tỷ USD. Hơn nữa, việc các doanh nghiệp phía Nam hoạt động trở lại sau hơn 3 tháng dừng hoạt động để phòng dịch COVID-19 đã giúp nhóm công nghiệp chế biến phục hồi.
Đáng lưu ý, xuất khẩu dệt may đạt gần 29 tỷ USD, tăng hơn 7%; giầy dép các loại hơn 15,5 tỷ USD. Xuất khẩu sắt thép lần đầu vượt kim ngạch 10 tỷ USD, đạt 10,8 tỷ USD tăng gần 130% so với cùng kỳ 2020. Với nhóm hàng nông, lâm sản, 11 tháng đạt kim ngạch xuất khẩu gần 25,2 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2020. Còn xuất khẩu nhiên liệu, khoáng sản cũng tăng gần 29% sau 11 tháng và đạt 3,4 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 11 ước đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14% so với tháng 10. Khu vực doanh nghiệp trong nước nhập 10,2 tỷ USD; trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập tới 19,6 tỷ USD, tăng gần 15%. Luỹ kế 11 tháng Việt Nam nhập khẩu hơn 299,4 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ. Đặc biệt, Hoa Kỳ vẫn là nước nhập nhiều hàng hoá của Việt Nam nhất trong 11 tháng, gần 85 tỷ USD, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tiếp đến là Trung Quốc với gần 50,5 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ 2020.
Nhờ tận dụng tốt những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA), xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 12% so với cùng kỳ, đạt gần 36 tỷ USD. Các thị trường ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản lần lượt đạt gần 26 tỷ USD; 20 tỷ USD và 18 tỷ USD trong 11 tháng.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hơn 98,5 tỷ USD tăng 32% và chiếm tỷ trọng gần 33% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 50,3 tỷ USD, tăng 20,3%. Việt Nam nhập từ ASEAN gần 37 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 36%. Nhật Bản gần 20,3 tỷ USD tăng 10%...
Đại diện Bộ Công Thương cho hay, cán cân thương mại hàng tháng đã chuyển dần sang nhập siêu từ thời điểm đầu quý II. Tuy nhiên, mức nhập siêu đã giảm dần trong thời điểm giữa và cuối quý III. Đến nay, cán cân thương mại đã chuyển hướng sang xuất siêu
Theo Bộ Công Thương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững và vấn đề cán cân thương mại. Ngay trong cuối tháng 6, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 để các bộ, ngành, địa phương cùng triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, cán cân thương mại phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng chống dịch. Bộ Công Thương đã, đang và sẽ theo dõi sát sao hoạt động xuất nhập khẩu; trong đó, có vấn đề cán cân thương mại. Đồng thời, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu. Thế nhưng, giải pháp căn cơ để giảm thâm hụt cán cân thương mại, tiến tới xuất siêu trong thời gian tới là nhanh chóng phục hồi sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.
Hơn nữa, điều kiện quan trọng là các bộ, ngành, địa phương cần tập trung kiểm soát dịch, kết hợp chú trọng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Đánh giá về hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong tháng còn lại của năm, đại diện Bộ Công Thương cho rằng có những thuận lợi khi Việt Nam đang khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mai tự do (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, nhất là nhóm hàng có lợi thế.
Để thúc đẩy xuất khẩu, từ nay đến cuối năm Bộ Công Thương tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu; trong đó, chú trọng triển khai các Hiệp định thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) nhằm phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp định. Từ đó, tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ những Hiệp định này.
Đồng thời, ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau dịch COVID-19; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Cùng với việc tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, Bộ Công Thương sẽ chú trọng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN,… để tạo thuận lợi cho hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu./.