Việt Nam và Campuchia ký kết hợp tác, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp

Các lĩnh vực hợp tác chính mà hai bên đã thống nhất gồm: chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, thương mại lâm sản; nghiên cứu khoa học, đào tạo, nâng cao năng lực ở các cấp về lâm nghiệp; bảo vệ rừng-phòng chống và kiểm soát cháy rừng; phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học xuyên biên giới.

Việt Nam-Campuchia thống nhất chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, thương mại lâm sản; nghiên cứu khoa học, đào tạo, nâng cao năng lực ở các cấp về lâm nghiệp.

hop-tac-lam-nghiep-1-1721374085.jpg
Việt Nam và Campuchia ký kết hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp. (Nguồn: Cục Lâm nghiệp)

Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ ngày 18-19/7, Hội nghị Nhóm quan chức cấp cao của ASEAN về lâm nghiệp lần thứ 27 (ASOF 27) đã diễn ra tại Indonesia. Đoàn đại biểu của Việt Nam do ông Phạm Hồng Lượng, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp làm trưởng đoàn.

Tại hội nghị, đoàn Việt Nam đã có cuộc họp với đoàn Campuchia và tổ chức Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương về lâm nghiệp giai đoạn 2024-2029.

Các lĩnh vực hợp tác chính mà hai bên đã thống nhất gồm: chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, thương mại lâm sản; nghiên cứu khoa học, đào tạo, nâng cao năng lực ở các cấp về lâm nghiệp; bảo vệ rừng-phòng chống và kiểm soát cháy rừng; phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học xuyên biên giới.

Hai bên cũng hợp tác về phòng chống khai thác, vận chuyển gỗ và sản phẩm gỗ, săn bắt động vật, thực vật hoang dã trái pháp luật; thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

Hội nghị ASOF 27 là hội nghị thường niên về lâm nghiệp của các nước Đông Nam Á để chuẩn bị báo cáo tại Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 46 (AMAF 46).

hop-tac-lam-nghiep-2-1721374075.jpg
Việc hợp tác giữa Việt Nam và Lào sẽ góp phần thúc đầy phát triển bền vững trong lĩnh vực lâm nghiệp. (Ảnh minh họa)

Tham dự hội nghị ASOF 27 có đại diện 9 nước trong khối ASEAN (Singapore không tham dự), Timor Leste tham dự với tư cách là quan sát viên; Ban Thư ký ASEAN; các quốc gia/tổ chức quốc tế là đối tác của ASEAN: Trung Quốc, Ban Thư ký Hiệp định Tổ chức Hợp tác rừng châu Á (AFoCO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Thế giới (CIFOR), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Chương trình của EU hỗ trợ các nước ASEAN về tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (EU-FLEGT Program), Chương trình UN-REDD châu Á.

Hội nghị đã tập trung thảo luận và thống nhất một số nội dung quan trọng gồm: Chiến lược hợp tác lâm nghiệp ASEAN (2016-2025); Quản lý rừng bền vững khu vực ASEAN; Phát triển lâm sản khu vực ASEAN; Các vấn đề về rừng và biến đổi khí hậu khu vực ASEAN; Hợp tác giữa các nước ASEAN về thực thi Công ước CITES và tăng cường thực thi pháp luật về động vật hoang dã (ASEAN-CITES và WE); Các chương trình, dự án và các sáng kiến hợp tác mới trong khu vực ASEAN; Kế hoạch hợp tác với các quốc gia và các tổ chức đối tác của ASEAN.

Tại hội nghị, đoàn Việt Nam đã cập nhật về hiện trạng tài nguyên rừng, các chính sách/quy định mới của Việt Nam về lâm nghiệp, đặc biệt là về quản lý rừng bền vững, chứng chỉ rừng và thực thi các cam kết quốc tế trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Việt Nam cũng chỉ ra các cơ hội, thách thức và các khuyến nghị với hội nghị nhằm tăng cường quản lý rừng bền vững trong khu vực ASEAN.

Đoàn Việt Nam cũng dành thời gian tiếp xúc, trao đổi với các quốc gia và tổ chức quốc tế là đối tác của Việt Nam để thúc đẩy các hoạt động hợp tác và huy động nguồn lực cho ngành lâm nghiệp Việt Nam./.

PV