Theo Tổng cục Thống kê, điểm sáng trong bức tranh kinh tế trong 11 tháng qua là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng, với tổng số vốn 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là nhờ môi trường đầu tư được giữ vững ổn định và hấp dẫn, cũng như việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản đang được kỳ vọng sẽ mở ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam.
Bà Darawan Plaendee, Phó Tổng Giám đốc Công ty Autoliv Việt Nam, cho biết, sau khi đã xem xét nhiều nơi, chúng tôi đã chọn Quảng Ninh vì chi phí hậu cần và sự sẵn sàng về nhân lực, địa điểm, hạ tầng giao thông hoàn thiện.
Quảng Ninh là tỉnh dẫn đầu trong thu hút FDI thời gian qua, vốn FDI gấp hơn 3 lần kế hoạch năm đề ra, đạt hơn 3,1 tỷ USD. Có được điều này là do quỹ đất sẵn sàng và kế hoạch thu hút đầu tư rõ ràng của địa phương.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho hay, chúng tôi đã triển khai các bước, thực hiện quy hoạch rõ ràng, bài bản. Tỉnh có 23 khu công nghiệp. Tỉnh đã thúc đẩy để tháo gỡ vấn đề khó khăn liên quan đến các nhà đầu tư. Đáng chú ý, cơ cấu dòng vốn FDI vẫn nghiêng về sản xuất khi có đến 87% tổng vốn đăng ký mới thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo. Ngày càng nhiều chuỗi sản xuất toàn cầu lựa chọn Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất lớn là tín hiệu rất tích cực.
TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế nhận định, kết quả của việc chúng ta đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách đã phát huy tác dụng nhất định. Điều này tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.