Vốn FDI đổ vào bất động sản tiếp tục tăng cao

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản tiếp tục là điểm sáng khi vừa thu về gần 2,14 tỷ USD.
khu-cong-nghiep-1698917894.jpg
Bất động sản công nghiệp đang hồi sinh cùng làn sóng đầu tư. Ảnh minh họa

Trong số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vào ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục tăng cao với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,14 tỷ USD, chiếm hơn 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Như vậy, kể từ tháng 7 đến nay, ngành bất động sản đã liên tiếp giữ ngôi vị á quân. Bên cạnh các nhà đầu tư truyền thống từ khu vực Đông Bắc Á, Singapore, Hàn Quốc, British, Nhật Bản gần đây, Việt Nam đang đón dòng vốn đầu tư mới từ khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ...

Còn theo báo cáo của Savills Việt Nam công bố vào tháng 9, thị trường bất động sản công nghiệp tại hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và Tp.HCM đang tích cực được lấp đầy. Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 291 khu công nghiệp đang hoạt động và 91 khu công nghiệp đang được quy hoạch. Điều này cho thấy mức độ phát triển đang diễn ra ở cả vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và phía Bắc.

Tại báo cáo vừa công bố, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) đã đưa ra nhận định, bất động sản công nghiệp đang hồi sinh cùng làn sóng đầu tư. VARs cũng cho rằng, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng; chuỗi sản xuất đứt gãy, chi phí và thời gian vận tải tăng cao... Qua đó, thúc đẩy nhu cầu cao về kho bãi và nhà xưởng ngay tại các thị trường tiêu thụ. Các yếu tố cộng hưởng đang giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến mới của các doanh nghiệp sản xuất đa quốc gia.

Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do, điển hình là hiệp định EVFTA, nên thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ châu Âu. Một yếu tố khác đang góp phần tạo môi trường đầu tư an toàn đến từ sự ghìm cương của tỷ giá VND/USD so với tỷ giá ở một số nước trong vùng như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Malaysia.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi từ hạ tầng thì Việt Nam hiện đang còn một số vướng mắc cơ bản cản trở việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và vào thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng. Cụ thể là những bất cập của quy định pháp luật và thủ tục hành chính còn nhiều phức tạp, cản trở nhiều dự án, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Để thu hút nguồn vốn ngoại, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ, tạo ra một “sân chơi” rộng mở, bình đẳng cho “người chơi” là các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đồng thời, tái cấu trúc thị trường bất động sản, phải đưa mặt bằng giá bất động sản về mức phù hợp với thị trường. Đặc biệt, cần thực hiện tái cấu trúc, tái cơ cấu sản phẩm hướng đến nhu cầu thực, các phân khúc nhà ở thương mại bình dân, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Hương Lan