Việt Nam “siết chặt” lợn vượt biên

7 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 4,1 triệu tấn thịt, trị giá 17,03 tỷ USD, giảm 30,9% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trung Quốc chi 17 tỷ USD để nhập khẩu thịt lợn

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2022 dự báo đạt mức 110,7 triệu tấn, hầu như không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4/2022.

USDA dự báo, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu thịt lợn hàng đầu thế giới, chiếm 20% trong tổng lượng xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, xuất khẩu thịt lợn toàn cầu năm 2022 được điều chỉnh giảm gần 10% so với năm 2021, xuống còn 10,6 triệu tấn, chủ yếu do việc giảm nhập khẩu của Trung Quốc bởi nguồn cung trong nước được cải thiện.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nguồn cung lợn hơi trong các tháng cuối năm 2022 được đảm bảo và giá cả sẽ không tăng mạnh. Giá lợn tại Trung Quốc liên tục giảm trong mấy tuần gần đây, nhưng cơ quan chức năng Trung Quốc vẫn đang cân nhắc xả kho dự trữ thịt lợn để hạ tiếp giá thịt lợn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tháng 7/2022, Trung Quốc nhập khẩu 642,74 nghìn tấn thịt (bao gồm cả nội tạng), trị giá 3,06 tỷ USD, giảm 24,7% về lượng nhưng tăng 3,4% về trị giá so với tháng 7/2021.

Lũy kế 7 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 4,1 triệu tấn thịt, trị giá 17,03 tỷ USD, giảm 30,9% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Về phía xuất khẩu của Việt Nam, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy: Trong 6 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 8,59 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 34,69 triệu USD, giảm 9,4% về lượng và giảm 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

3149-xuyt-lyu-lyn-1660983228.jpg
Việt Nam "cấm" lợn vượt biên. Ảnh minh họa

Trong đó, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 5,13 nghìn tấn, trị giá 22,64 triệu USD, tăng 127,2% về lượng và tăng 26,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 25 thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) nhiều nhất, chiếm 51,1% tổng trị giá xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước. Trung Quốc chiếm 5,6% tổng trị giá xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam.

Tại thị trường nội địa, tháng 7/2022 chứng kiến đà tăng giá thẳng đứng của mặt hàng thịt lợn. Tại nhiều địa phương, giá lợn hơi chạm mốc 75.000 đồng/kg vào trung tuần tháng 7 sau đó bắt đầu giảm.

Từ đầu tháng 8/2022 đến nay, giá lợn hơi tại các tỉnh trên cả nước không có nhiều biến động, giá giảm so với cuối tháng trước. Hiện, giá lợn hơi trên toàn quốc dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2022. Giá giảm do nhu cầu trên thị trường yếu, các trường học vẫn chưa bước vào năm học mới và Chính phủ yêu cầu bình ổn giá thịt lợn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh đẩy giá thành sản xuất lên cao; cùng với đó là tình trạng thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương dẫn đến tình trạng giá lợn hơi tăng mạnh. Ngoài ra, giá thịt lợn tại Trung Quốc biến động lớn, ảnh hưởng đến nguồn cung và giá thịt lợn tại Việt Nam.

“Dù đã siết chặt nhưng việc giết mổ rồi chặt mảnh thịt lợn để tiện cho việc chở sang Trung Quốc vẫn xảy ra. Điều này cũng ảnh hưởng tới nguồn cung thịt lợn trong nước những ngày qua”, ông Phùng Đức Tiến nói.

“Cấm” lợn vượt biên

Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn thú y, hiện nay do sự chênh lệch về giá cả lợn và sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng, dẫn đến hiện tượng buôn bán, vận chuyện trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là việc vận chuyển lợn từ Việt Nam qua biên giới phía Bắc, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng,… giữa các nước với Việt Nam.

Để khẩn trương ngăn chặn, chấm dứt tình trạng nêu trên, đồng thời để ổn định giá cả thịt lợn tại thị trường trong nước, Bộ NN-PTNT đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.

Cụ thể, Bộ NN-PTNT đề nghị Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia tham mưu chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.

Thành lập các đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 quốc gia trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam.

Với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ NN-PTNT đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trái phép; bảo đảm chấm dứt ngay tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động 2 vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam tại các đường mòn, lối mở,… với các nước.

Trường hợp bắt được các lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển ra, vào Việt Nam bất hợp pháp thì phải xử lý, tiêu hủy theo quy định.

Chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y Trung ương đóng tại địa phương và cơ quan thú y địa phương.

Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam.

Chỉ đạo lực lượng công an lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn trái phép lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam…

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian tới để hạ giá thành chăn nuôi, các trang trại phải tìm nguồn thức ăn sẵn có trong nước, chí phí thấp hơn, kiểm soát phòng chống dịch tả lợn châu Phi tốt. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang các nước láng giềng, tăng nguồn thịt nhập khẩu chất lượng.