Việt Nam đang tích cực xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam

Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, Việt Nam đang tích cực xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nắm bắt cơ hội từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để vươn lên tầm cao mới. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được sinh ra trong bối cảnh này, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.
doi-moi-sang-tao-quoc-gia-4-1727705560.jpg
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). (Ảnh minh họa)

Khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo làm động lực để Việt Nam đột phát phát triển

Chia sẻ về lý do ra đời của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình vào kỷ nguyên số, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Sự ra đời của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là một bước đi chiến lược trong bối cảnh Việt Nam đang đặt ra mục tiêu phát triển rất cao. Đến năm 2030, chúng ta phải trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao. Thời gian còn lại rất ngắn trong khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra như vũ bão.

Để vượt qua thách thức và đạt mục tiêu cao như vậy thì động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam là cái gì?

Chúng tôi có nghiên cứu và cho rằng bản chất gốc vẫn là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Xuất phát từ đó. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tham mưu cho Đảng đưa vào Nghị quyết Đại hội 13-Khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo được coi đây là đột phá chiến lược bên cạnh ba đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Đại hội 14 lần này cũng đang trên tinh thần đó, chuẩn bị cho đất nước bước vào kỷ nguyên “vươn mình” của dân tộc.

Khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo làm động lực để Việt Nam đột phát phát triển, chỉ có vậy mới tranh thủ được cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, giúp đất nước bứt phá để phát triển nhanh, bền vững và thu hẹp được khoảng cách phát triển với các nước. Không còn con đường và cơ hội nào khác, đây là cơ hội có thể nói rất quý giá phải rất nhiều năm mới có được.

Xuất phát từ tinh thần đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã suy nghĩ phải hình thành ngay một Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia hiện đại, đồng bộ, tầm cỡ của khu vực và thế giới, để làm sao xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thúc đẩy cho nghiên cứu khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và dẫn dắt lan toả, đưa nền kinh tế Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị.

Khi lấy ý kiến các Bộ, ngành và các doanh nghiệp, tổ chức trong ngoài nước đánh giá đã nhận được sự hoan nghênh rất cao, qua đó Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập trung tâm vào 2/10/2019.

doi-moi-sang-tao-quoc-gia-5-1727705618.jpg
Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác thăm cơ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội vào tháng 3/2023. (Ảnh VGP)

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là hạt nhân của hệ sinh thái, mục tiêu kết nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp, viện/trường đến các trung tâm nghiên cứu, tổ chức tài chính, các đơn vị hỗ trợ ươm tạo…, để hỗ trợ nghiên cứu công nghệ mới, startup và các doanh nghiệp. Mục đích chính của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là xây dựng, phát triển hệ sinh thái, dẫn dắt đổi mới sáng tạo của Việt Nam và đã được quốc tế đánh giá rất cao.

Những năm qua, đổi mới sáng tạo của Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá và xếp hạng tốt. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia ra đời trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhiều thách thức. Muốn làm đổi mới sáng tạo phải có cơ chế đặc thù, cạnh tranh. Lúc thành lập Trung tâm thì chưa có gì, Bộ đã phải xin Chính phủ ban hành một Nghị quyết riêng điều chỉnh hoạt động của Trung tâm này. Thế giới có nhiều trung tâm nhưng đều của các tập đoàn kinh tế, chưa có cái nào của Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, quản lý, phục vụ lợi ích của Nhà nước. Đây là trung tâm đầu tiên trên thế giới, khác biệt cơ bản so với thế giới là như thế.

Sau này, đơn vị tư vấn báo cáo đánh giá toàn cầu cho biết muốn nhân rộng mô hình của Việt Nam ra các nước khác để dẫn dắt đổi mới sáng tạo của các quốc gia.

doi-moi-sang-tao-quoc-gia-1-1727705655.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay mục đích chính của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là xây dựng, phát triển hệ sinh thái, dẫn dắt đổi mới sáng tạo của Việt Nam và đã được quốc tế đánh giá rất cao. (Ảnh: Vietnam+)

Hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trong 5 năm qua, cơ bản đã bước đầu có những thể chế cho đổi mới sáng tạo nói chung. Bên cạnh đó, chúng tôi đã chuyển hóa một số nội dung vào trong Luật Thủ đô, Nghị định 94 (hiện nay đang sửa đổi lần nữa). Về cơ sở vật chất đã hình thành hai cơ sở, một là ở tòa nhà Tôn Thất Thuyết, hoạt động rất hiệu quả, được coi là một trong những trung tâm tốt nhất Việt Nam hiện nay; cơ sở Hòa Lạc đã xây dựng rất quy mô với sự tài trợ của nước ngoài, với 9 ngành công nghệ mũi nhọn ưu tiên lựa chọn đang dần hình thành. Tòa nhà này đã được tổ chức xếp hạng của thế giới (đặt tại Singapore) bình chọn là một trong hai tòa nhà thương mại tốt nhất châu Á 2024.

Hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia rất mới, làm nhiều việc, hình thành thể chế, cơ sở vật chất, bộ máy. Quan trọng nhất là chúng ta không chờ đợi xong cái này mới làm cái kia, mà làm song song. Khi xây dựng cơ sở vật chất vẫn tổ chức hoạt động liên quan đến đổi mới sáng tạo, hội nghị hội thảo tư vấn, ươm tạo, hỗ trợ… cho startup, tổ chức diễn đàn cho các quỹ đầu tư, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ đã được hưởng lợi từ Trung tâm, nhất là trong hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây mới là ban đầu, không được thỏa mãn và thách thức lớn đặt lên vai rất nặng nề, làm sao phải trở thành trung tâm hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế, kết nối với các trung tâm quốc tế và trong nước. Trung tập thực sự là cầu nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp, viện trường trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm… làm sao biến trung tâm trở thành đẳng cấp khu vực, Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo khu vực và thế giới.

Nơi quy tụ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam

Trong 2 ngày 01-02/10/2024, Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Ngày hội Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam 2024 sẽ được tổ chức tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Đây là sự kiện kết nối và quy tụ các chủ thể của hệ sinh thái ĐMST Việt Nam nhằm ghi nhận những kết quả đạt được trong 5 năm qua và tôn vinh những đóng góp của các chủ thể vào sự phát triển của hệ sinh thái, trong đó NIC đóng vai trò là đầu mối dẫn dắt.

NIC được thành lập ngày 2/10/2019 tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên phát triển khoa học và công nghệ.

Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, sau 5 năm hoạt động, Trung tâm có rất nhiều chương trình hỗ trợ các start-up. Ngoài không gian làm việc, Trung tâm còn có chương trình đào tạo phối hợp với các đối tác lớn như Google, Meta.

Trung tâm có những hoạt động kết nối như hội thảo, tọa đàm, các sự kiện kết nối các doanh nghiệp start-up với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để có thể tiếp cận được các đối tác phù hợp.

Trung tâm cũng tổ chức một số chương trình kết hợp với các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trên thế giới để gửi một nhóm các start-up ra nước ngoài và tham gia các chương trình ươm tạo, đào tạo ở nước ngoài như Hàn Quốc, Bỉ…

doi-moi-sang-tao-quoc-gia-2-1727705701.jpg
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia: Trung tâm có rất nhiều chương trình hỗ trợ các start-up. (Ảnh VGP)

Nói về tiêu chí lựa chọn các start-up, theo ông Huy, tiêu chí quan trọng bậc nhất là các start-up phải thuộc các lĩnh vực công nghệ trọng tâm như sản xuất thông minh, đô thị thông minh, công nghệ môi trường… Trung tâm đánh giá trên cơ sở năng lực của start-up đó, năng lực của chuyên gia, năng lực quản lý và kinh doanh của bộ máy sáng lập…

Ông Huy cho biết thêm, trong 3 năm gần đây, Trung tâm đã tổ chức các chương trình đưa start-up ra nước ngoài, trung bình mỗi năm tổ chức 2 chương trình, mỗi chương trình có khoảng 20 start-up.

Đề cập đến vai trò của NIC trong đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông Vũ Quốc Huy cho biết trong 5 năm thành lập và phát triển, NIC đã đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến ĐMST.

"Chúng tôi đã đề xuất với Bộ KH&ĐT trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư, trong đó bổ sung rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các dự án khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi đề xuất bổ sung trung tâm đổi mới sáng tạo trên cả nước chứ không chỉ riêng Trung tâm ĐMST quốc gia, nằm trong đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo luật", ông Huy cho biết.

Phát biểu tại họp báo công bố Ngày hội Đổi mới sáng tạo Quốc gia 2024 kết hợp Lễ Kỷ niệm 5 năm thành lập NIC, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: “Sự ra đời của Trung tâm là bước đi chủ động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có yêu cầu phải phát triển mạnh mẽ hệ thống đổi mới sáng tạo lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện - trường là chủ thể nghiên cứu mạnh”.

Quá trình 5 năm phát triển của NIC thực sự là một hành trình đầy thách thức và cũng rất đáng tự hào. “Từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi mong muốn dịp kỷ niệm 5 năm NIC cũng là một cơ hội để chúng ta tiếp tục lan toả mạnh mẽ khát vọng và quyết tâm đổi mới sáng tạo tới cộng đồng doanh nghiệp, người dân, để từ đó khơi gợi tiềm năng sáng tạo, ý chí và khát vọng đổi mới đưa Việt Nam bứt phá, đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ./.

Trọng Bình