Thứ nhất là "Năng suất, giá cả và dòng tài nguyên trong nông nghiệp", vấn đề thứ hai là "Các sự kiện không chắc chắn và cực đoan" và vấn đề thứ ba là "Phát thải từ nông nghiệp, lâm nghiệp và các mục đích sử dụng đất khác (AFOLU)".
Theo Tiến sỹ Arndt, đối với mỗi vấn đề này, trước tiên cần xem xét tác động toàn cầu, và sau đó xem xét các tác động đối với Việt Nam. Đại diện của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế cho rằng biến đổi khí hậu có thể làm giảm năng suất của nông nghiệp, từ đó làm gia tăng áp lực lên giá cả của lương thực và các sản phẩm nông nghiệp.
Trong khi đó, dẫn chứng về “Các sự kiện không chắc chắn và cực đoan”, ông Channing Arndt cho rằng hiện nay biến đổi khí hậu làm nhiệt độ gia tăng ở gần như mọi nơi trên thế giới, đi kèm với đó là tổng lượng mưa trên toàn cầu tăng mạnh nhưng vị trí xảy ra mưa lại rất khó dự đoán.
Về "Phát thải từ nông nghiệp, lâm nghiệp và các mục đích sử dụng đất khác (AFOLU)”, Tiến sỹ Arndt khẳng định 21% lượng phát thải toàn cầu là từ AFOLU và đây cũng là nguồn phát thải khí metan chính, một loại khí nhà kính mạnh dù tồn tại trong thời gian ngắn.
“AFOLU hiện là lĩnh vực duy nhất có tiềm năng đáng kể để cung cấp phát thải âm và mục tiêu hàng đầu của COP26: Đảm bảo phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào giữa thế kỷ này”, Tiến sỹ Channing Arndt chia sẻ thêm.
Đại diện Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế đánh giá rằng, trên toàn cầu, lượng phát thải khí metan đang gia tăng đáng kể và điều này có thể sẽ tiếp tục gây ra những hệ lụy đối với Việt Nam. Tuy nhiên, với một quốc gia được tổ chức tốt, chẳng hạn như Việt Nam, có thể dễ dàng hưởng lợi nhuận từ nhu cầu bù trừ phát thải của khu vực tư nhân trong tương lai gần và phát thải âm toàn cầu về dài hạn.
Phát biểu tại diễn đàn, TS. Cao Đức Phát (ảnh), nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, năm 1989, Việt Nam sau nhiều năm gián đoạn đã trở lại là nước xuất khẩu gạo. Tuy vậy, sản xuất lương thực còn bấp bênh, nhiều vùng vẫn thiếu lương thực, nhất là gạo. Do vậy, nhiều nỗ lực vẫn cần được bỏ ra để gia tăng sản xuất lương thực, thực phẩm.
Nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị gia tăng cao nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển các chuỗi giá trị và áp dụng khoa học công nghệ. Đồng thời đã bước đầu triển khai thực hiện các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm và nông sản lớn trên thế giới.
Hiện nay nông nghiệp Việt Nam đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức mới đan xen. Nền nông nghiệp có nhiệm vụ mới do vậy cũng cần phải có những chủ trương và chính sách mới.
Đại hội XII của Đảng đã đưa ra chủ trương: Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực, thực phẩm của Liên hợp quốc tháng 9/2021: Việt Nam sẽ là nhà cung cấp lương thực, thực phẩm Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP26), tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam sẽ trở thành quốc gia trung hòa về carbon vào năm 2050. Tới năm 2030 và nhiều năm sau đó nền nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu vẫn sẽ là nền nông nghiệp của các hộ nông dân nhỏ. Nhưng không phải các nông hộ tự cung tự cấp mà phải là các hộ sản xuất hàng hóa quy mô ngày càng lớn.
Tuy vậy, đa số các nông hộ vẫn quá nhỏ để tự tham gia thị trường cạnh tranh quốc tế. Họ cần liên kết lại, trực tiếp hay trực tuyến. Cần có nhiều hơn các doanh nghiệp để dẫn dắt họ tham gia các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Các hộ nông dân nhỏ cũng cần được hỗ trợ để làm điều đó trên các cánh đồng ở Việt Nam nhưng vì lợi ích chung của toàn thế giới./.