Việt Nam có 3 ông Hoàng Cầm nổi tiếng

Trong lịch sử đương đại Việt Nam, chí ít có đến ba ông Hoàng Cầm nổi đình đám. Ông thứ nhất là người đã sáng chế ra bếp dã chiến mang tên Hoàng Cầm. Ông thứ hai trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ trong quân ngũ và được phong đến hàm Thượng tướng. Còn ông thứ ba là thi sĩ, tác giả của bài thơ nổi tiếng "Bên kia sống Đuống".
305319149-1128913461028904-111502455042822130-n-1664516941.jpg
Ảnh ba ông Hoàng Cầm - Ông “Hoàng Cầm bếp” - Ông “Hoàng Cầm tướng” - Ông “Hoàng Cầm thơ”

Hoàng Cầm “Bếp đi không dấu, nấu không khói"

Người sinh sớm nhất trong ba người này là “Hoàng Cầm bếp”. Ông sinh năm 1916 ở xã Đại Trực, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Vì khổ cực, năm 20 tuổi, ông đã bỏ nhà lên phố mưu sinh. Sau năm 1936, ông học nghề đầu bếp và làm thuê cho cửa hàng cơm Văn Phú ở phố Hàng Lọng (đường Lê Duẩn ngày nay).

Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia tự vệ thành. Năm 1947, ông được giao nhiệm vụ phụ trách cấp dưỡng của An Dưỡng đường thuộc Quân y vụ khu Trung ương (Cục Quân y). Cuối năm 1948, ông được điều về phụ trách cấp dưỡng tại Quân y viện ở Mỹ Tranh. Thu đông năm 1949, trong Chiến dịch Biên giới, ông phụ trách một tổ cấp dưỡng tại một trạm vận chuyển thương binh ở Na Lang. Do có nhiều thành tích trong công tác hậu cần, kết thúc Chiến dịch Biên giới, ông được cấp một giấy khen và được Bác Hồ tặng thưởng một đồng hồ đeo tay.

Trong Chiến dịch Hoàng Hoa Thám 1951, do có công giúp đơn vị “luôn đủ thực phẩm tươi sống mà giá cả lại phải chăng, đời sống thương bệnh binh ngày càng được cải thiện”… ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Đông xuân 1951 - 1952, trong Chiến dịch Hòa Bình, vì phải theo sát cuộc chiến đấu của  Sư đoàn 308, bộ phận phục vụ của Hoàng Cầm phải chia làm 2 tổ, bình quân mỗi người phải phục vụ 60 người. Ngày nào cũng vậy, anh chị em phải làm việc suốt ngày đến tận 12h đêm. Nhiều lần thương đồng đội, Hoàng Cầm thức từ nửa đêm đến 4h sáng nấu gần 100kg gạo và làm xong thức ăn mới gọi mọi người dậy.

Có một việc đã từ lâu mà Hoàng Cầm trăn trở khôn nguôi: Muốn làm một cái gì đó cho bộ đội được ăn nóng, uống nóng và chỉ có như vậy mới giúp cho bộ đội thêm sức chiến đấu dẻo dai, thương binh mới tăng cường dinh dưỡng, chóng phục hồi sức khỏe. Qua nhiều đêm suy nghĩ, ông bỗng nhớ đến việc đắp bếp nấu cám lợn ở quê nhà. Bà con thường dùng đất dẻo đắp bếp. Đắp to đắp nhỏ tùy theo nồi nấu. Hai bên bếp thường để hai lỗ thoát khói. Do vậy, nhiệt trong bếp rất tập trung mà ánh sáng lại không tỏa ra ngoài.

Nhưng còn khói? Vấn đề cơ bản là làm sao triệt tiêu được khói hoặc làm sao cho khói không bốc lên cao để máy bay địch không phát hiện được nơi nấu. Tiếp tục suy nghĩ, ông lại nhớ đến hồi còn nhỏ cùng chúng bạn chăn trâu hun chuột. Ông nhớ khi hun phải đào hang rộng và dài, đưa rơm rạ vào đốt và phải quạt mạnh để khói luồn vào bên trong các ngóc ngách chuột đào, rồi tỏa ra bờ ruộng.

Ông mang dụng cụ ra đồi làm thử nhưng thấy lửa vẫn hắt ra ngoài, khói còn bốc lên cao. Ông làm đi làm lại nhiều lần, vừa làm vừa bàn, vừa chỉnh sửa cùng đồng đội. Mỗi người góp một ý. Kết quả cuối cùng: Ra đời một cái bếp theo ý muốn. Đó là bếp Hoàng Cầm. Và về thực chất, bếp Hoàng Cầm không thoát khói theo ống khói dọc, mà thoát khói theo ống khói ngang nằm sâu và kéo dài trong lòng đất, cách mặt đất không sâu lắm.

Bếp Hoàng Cầm nấu được cả ban ngày lẫn ban đêm mà không sợ lộ khói lửa, theo đúng tinh thần “đi không dấu, nấu không khói…”. Bếp được nhanh chóng phổ biến và sử dụng rộng rãi trong toàn quân trong cả thời chống Pháp trước đây lẫn chống Mỹ sau này. Với thành tích trên, cha đẻ của bếp Hoàng Cầm đã được bầu là Chiến sĩ thi đua sư đoàn, được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, được gặp Bác Hồ kính yêu…

Kết thúc cuộc chiến tranh chống Pháp, Hoàng Cầm được tặng thưởng Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên và Huân chương Chiến thắng hạng Ba. Năm 1958, Hoàng Cầm ra quân. Ông tiếp tục công tác tại thị trấn Tam Đảo. Kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Hai. Tên tuổi và công trạng của Đại úy Hoàng Cầm được Viện Bảo tàng lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam lưu giữ làm gương cho hậu thế noi theo.

Hoàng Cầm “Tướng”

Người thứ hai là “Hoàng Cầm tướng”. Ông tên thật là Đỗ Văn Cầm, quê Cao Sơn, Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 12 tuổi, sau đó phải lưu lạc kiếm sống tại Hà Nội. Năm 21 tuổi, ông đi lính khố xanh cho chính quyền thuộc địa Pháp và đồn trú tại Lai Châu. Sau khi điều chuyển về  Hà Nội được 2 năm, ông đào ngũ, nhờ đó mới thoát nạn trong vụ đảo chính Nhật vào ngày 9 - 3 - 1945.

Được sự vận động của cán bộ Việt Minh, đến tháng 7 năm 1945, ông tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội. Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông tham gia Cứu quốc quân Hà Nội và lấy tên là Hoàng Cầm theo phong trào đổi tên mới để bước vào cuộc đời mới thời bấy giờ. Từ 1946 đến 1949, ông làm cán bộ chỉ huy cấp tiểu đội, đại đội ở Trung đoàn 148, tham gia mặt trận Sơn La. Năm 1949, ông được điều về Trung đoàn 209 (còn có tên là Trung đoàn Sông Lô - một trong những trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam) làm tiểu đoàn phó, rồi tiểu đoàn trưởng, tham gia trận đánh Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới 1950.

Trong trận Điện Biên Phủ, ông là trung đoàn trưởng Trung đoàn 209, chỉ huy đánh chiếm Sở chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được đề bạt Đại đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng, rồi Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đại đoàn 312 (tức Sư 312). Từ 1964 đến 1974, ông đảm đương các chức vụ: Sư trưởng Sư đoàn 9, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng, Tư lệnh quân đoàn 4.

Sau khi miền Nam giải phóng, khi Ủy ban quân quản Sài Gòn được thành lập, ông được cử làm Phó chủ tịch Ủy ban quân quản. Năm 1978, xung đột biên giới Tây Nam Việt Nam nổ ra, ông được cử làm chỉ huy lực lượng Quân đoàn 4 tấn công vào Hoàng cung Campuchia. Những năm hòa bình, ông vẫn tại ngũ và đảm đương các chức vụ trong quân đội: Tư lệnh Quân khu 4, Tổng thanh tra với hàm Thượng tướng. Ông đã được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, 4 Huân chương Quân công và nhiều huân, huy chương khác. Hoàng Cầm là vị tướng tham gia nhiều cuộc chiến tranh: Chống Pháp, chống Mỹ, Biên giới Tây Nam.

Hoàng Cầm “thơ” nhiều người nghe ông đi tìm lá Diêu bông

Người thứ ba là “Hoàng Cầm thơ”. Ông tên thật là Bùi Tằng Việt, quê Thuận Thành, Bắc Ninh. Ông tham gia Việt Minh từ năm 1944 và hoạt động văn nghệ trong quân đội từ những năm 40 của thế kỷ trước, từng là Trưởng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

Từ 1940 đến 1995, ông đã sáng tác và xuất bản các tác phẩm: “Hận ngày xanh”, “Bông sen trắng”, “Cây đèn thần”, “Tỉnh giấc mơ vua”, “Thoi mộng”, “Hận Nam Quan”, “Bốn truyện ngắn”, “Đêm Lào Cai”, “Tiếng hát quan họ”, “Những niềm tin”, “Men đá vàng”, “Mưa Thuận Thành”, “Lá diêu bông”, “Bên kia sông Đuống”, “Về Kinh Bắc”, “99 tình khúc”, “Kiều Loan”…

Ông có suy nghĩ về nghề văn rất riêng: “Mơ mộng. Học, tìm, mơ mộng rồi lại học, lại tìm, tìm mãi cái đẹp, cái thật, cái thiện. Trung thực với bản ngã, dần dần tạo ra phong cách thơ riêng, thế giới riêng, không vay mượn, lặp lại người khác, không tự mãn, cố gắng không lặp lại mình. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. “Bên kia sông Đuống” là một bài thơ đặc sắc của Hoàng Cầm và được nhiều thế hệ độc giả yêu thích.

Điều cần nói thêm là cả ba ông Hoàng Cầm đều trưởng thành trong quân đội, đều là sĩ quan trung cấp, cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cả ba ông đều có tuổi thọ rất cao. Trong đó, “Hoàng Cầm bếp” thọ 80 tuổi, “Hoàng Cầm thơ” thọ 88 tuổi và “Hoàng Cầm tướng” thọ tới 93 tuổi./.

Lê Hà