Vì tình yêu Hà Nội đề cử giải thưởng ý tưởng “Bát cảnh Tây Hồ”

Ý tưởng phục dựng “Bát cảnh Tây Hồ” đã tạo ra những “điểm đến” hấp dẫn có thể coi là hướng đi độc đáo mà quận Tây Hồ đang dày công nghiên cứu để tăng sức hấp dẫn của Tây Hồ trong lòng du khách. Ý tưởng này được đề cử giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
tay-ho-dnktx3-1728113676.png
Đền Đồng Cổ - nơi có Đàn Thề Đồng Cổ (một trong Bát cảnh Tây Hồ) vốn thuộc làng Thụy Chương dưới thời Lý Thái Tông (nay thuộc phường Bưởi, Tây Hồ).

Ngày 10/1/2024, UBND thành phố Hà Nội ban hành các Quyết định số 178/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý Hồ Tây trực thuộc UBND quận Tây Hồ và Quyết định số 02/2024/QĐ-UBND quy định về quản lý và khai thác Hồ Tây. Trên cơ sở này, được sự quan tâm của lãnh đạo Quận ủy, HĐND, UBND quận, các phòng, ban, ngành và đặc biệt là sự nỗ lực của Ban Quản lý Hồ Tây đã xây dựng “Đề án quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận”.

“Bát cảnh Tây Hồ” vốn là 8 thắng cảnh của vùng đất Tây Hồ được các tao nhân mặc khách của kinh thành Thăng Long xưa lưu lại trong các áng thơ văn và thư tịch cổ. 8 thắng cảnh này bao gồm: Bến trúc Nghi Tàm, Rừng bàng Yên Thái, Đàn thề Đồng Cổ, Tượng Phật say Thụy Chương, Sâm cầm hồ Tây, Cánh đồng hoa Nghi Tàm; Làng Khán Xuân, Tiếng đàn hành cung”, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Quản lý Hồ Tây Nguyễn Hưng Quốc chia sẻ.

Trong thực tế, trải qua những biến động của lịch sử, đến nay “Bát cảnh Tây Hồ” đã thay đổi rất nhiều. Do đó, để hiện thực hóa ý tưởng phục dựng “Bát cảnh Tây Hồ”, ông Nguyễn Hưng Quốc cho biết, các đơn vị chức năng của quận Tây Hồ sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa và các CLB những người yêu Hà Nội, người dân các làng nghề quanh Hồ Tây để có thông tin rõ ràng về dư địa chí của Hồ Tây, từ đó tập hợp và đưa vào đề án cho phù hợp và thuyết phục nhất.

Từ ý tưởng để đến hiện thực hóa việc khôi phục và phát triển hành trình “Bát cảnh Tây Hồ” sẽ còn là một hành trình dài. Thế nhưng, ý tưởng này ý nghĩa ở chỗ đã thể hiện được tầm nhìn của quận Hồ Tây trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của khu vực Hồ Tây nói riêng và Hà Nội nói chung. Nếu được hiện thực hóa, đây sẽ là những điếm nhấn trong việc phát triển văn hóa, du lịch của cả khu vực Hồ Tây và Hà Nội. Và ngay trong giai đoạn này, bản thân đề xuất đó đã thể hiện được khát vọng, tầm nhìn và tình yêu sâu sắc của những người xây dựng đề án đối với Hà Nội.

tay-ho-dnktx2-1728113603.jpg
Chùa Trấn Quốc lung linh, huyền ảo về đêm.

Ban tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 17 năm 2024  đã công bố 9 đề cử chính thức trên 4 hạng mục của mùa giải năm nay là Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng và Giải Việc làm.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội.

Hội đồng giám khảo của Giải thưởng gồm những tên tuổi uy tín như: nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội (chủ tịch Hội đồng); nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam; nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam; nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa; và đặc biệt năm nay, Hội đồng giám khảo có thêm một thành viên mới là PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Tại mùa giải năm nay, trên cơ sở một danh sách dự kiến đề cử gồm 54 “ứng viên”, Hội đồng giám khảo đã tổ chức 2 phiên họp để chọn ra 9 đề cử chính thức. Từ 9 đề cử này, Hội đồng giám khảo tiếp tục bỏ phiếu để chọn ra 4 giải thưởng, gồm: Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng và Giải Việc làm. Kết quả này sẽ được công bố tại Lễ trao giải. Với giải Ý tưởng gồm: Đề xuất khôi phục và phát triển hành trình “Bát cảnh Tây Hồ” của quận Tây Hồ./.

Trần Minh